Chợ Noel ở Strasbourg (Pháp), nổi tiếng và lớn nhất châu Âu, đã bị hủy do dịch Covid-19. (Ảnh: Le Parisien)
Làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 ập đến và châu Âu một lần nữa trở thành tâm dịch. Trước diễn biến nghiêm trọng và khó lường như vậy, nhiều nước châu Âu phải ban hành lệnh phong tỏa, giới nghiêm.
Trong đợt dịch đầu tiên, một số nước ở Trung Âu đã ngăn chặn thành công, hạn chế sự lây lan cũng như thiệt hại về người. Nhưng lần này, dịch lây lan khắp nơi. Toàn bộ khu vực đang phải dồn sức ứng phó và chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.
Mấy tuần trước, dịch ở Mỹ, Ấn Độ hay Brazil có dấu hiệu giảm nhiệt. Còn châu Âu lại ghi nhận số ca nhiễm hằng ngày cao hơn cả ba nước này cộng lại. Với hàng chục nghìn và kỷ lục là hơn 41 nghìn ca nhiễm mới vào ngày 22-10, các bệnh viện ở Pháp lại đứng trước nguy cơ quá tải.
Tình hình ở CH Séc cũng rất đáng lo ngại, chính thức bước vào giai đoạn gay go vì số người nhiễm tăng vọt trong hai tuần qua, lên tới 15 nghìn ca vào ngày 21-10 so mấy trăm ca trong đợt đỉnh dịch đầu tiên và vài chục ca trong mùa hè. Còn Thụy Sĩ cũng vậy, với số người nhiễm gấp hàng chục lần so đợt dịch đầu năm, ở mức rất cao so các nước chung quanh tính về dân số, hơn 8,5 triệu.
Ứng phó làn sóng dịch thứ nhất, nhiều nước ở châu Âu chấp nhận thiệt hại kinh tế để dồn sức bảo vệ sức khỏe cho người dân. Còn hiện nay, do suy thoái kéo dài, các nước thực hiện chiến lược kép, tăng cường các biện pháp hạn chế đà lây lan của dịch bệnh và cố gắng duy trì tối đa các hoạt động kinh tế. Chính vì vậy, lệnh giới nghiêm được lựa chọn để triển khai tại nhiều nước như : Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha... theo từng khu vực và đóng cửa quán bar hay nhà hàng được cho là nơi có nguy cơ lây nhiễm cao.
Diễn biến mấy tuần qua cho thấy, chưa có nước nào có giải pháp hiệu quả, ngăn chặn sự lây lan sau một đến hai tuần triển khai biện pháp hạn chế mới. Chính phủ Pháp buộc phải mở rộng lệnh giới nghiêm vào buổi tối ở 54 tỉnh, gần một nửa đất nước.
Khả năng xét nghiệm trên quy mô lớn đã được tăng cường rất nhiều ở châu Âu, giúp sớm phát hiện các ca nhiễm hay ổ dịch. Dù vậy, các chuyên gia y tế cho rằng sự phối hợp giữa các nước trong việc chặn đà lây lan do sự di chuyển cần được thúc đẩy mạnh hơn, rút kinh nghiệm từ đợt dịch trước.
Chưa có thuốc điều trị hiệu quả cho bệnh nhân Covid-19 và cũng chưa biết khi nào có vaccine ngừa bệnh nguy hiểm này. Thách thức còn nhiều khi sắp tới mùa đông. Do đó chỉ có sự phối hợp chặt chẽ về nghiên cứu, xét nghiệm, cách ly hiệu quả người nhiễm bệnh cùng với sự tuân thủ nghiêm ngặt rào cản chống lây nhiễm của người dân, đợt dịch thứ hai mới sớm được kiểm soát và giảm thiệt hại cả về sức khỏe và kinh tế.
Theo NDĐT