Châu Âu lo khủng hoảng ở Ireland lan rộng

Cập nhật: 27-11-2010 | 00:00:00

Châu Âu đang náo loạn trước nguy cơ khủng hoảng lây lan khắp khu vực đồng euro, vì sau Hy Lạp, giờ là Ireland và sắp tới có thể Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha sẽ cần đến sự hỗ trợ của châu Âu.

 

Tin xấu dồn dập từ nơi có phép lạ…

 

Sau Hy Lạp, cơn địa chấn từ Ireland - đất nước thường được vinh danh là “phép lạ kinh tế”, đã âm ỉ lâu nay khi thị trường trái phiếu Ireland gần đây phải chịu nhiều ảnh hưởng rất xấu, bất chấp những cam đoan của Thủ tướng Brian Cowen rằng nước này sẽ không phải sử dụng tới quỹ cứu trợ của châu Âu.

 

 Thủ tướng Ireland Brian Cowen cầu cứu kinh tế EU sau một thời gian từ chối

Chính phủ Ireland cũng khẳng định họ đã có đủ nguồn vốn để trang trải các khoản chi cho đến tháng 7-2011 và không cần phát hành thêm trái phiếu trong năm nay.

 

Tuy nhiên, đến đầu tháng này, lãi suất trái phiếu của Ireland đã tăng lên các mức kỷ lục, làm bùng lên những lo ngại rằng cuộc khủng hoảng nợ và thâm hụt ngân sách của khu vực đồng euro có thể đang bước vào giai đoạn hai đầy nguy hiểm, chỉ 6 tháng sau khi khối các nước này đã phải ra tay giải cứu Hy Lạp.

 

Ngày 11-11, lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Ireland đã tăng lên 8,929% - mức cao nhất kể từ khi châu Âu đưa vào lưu hành đồng euro vào năm 1999, đặt các thị trường trái phiếu châu Âu vào tình trạng căng thẳng cực độ.

 

Ông Cowen sau đó đã phải yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cứu nguy kinh tế sau nhiều tuần lễ từ chối không cho rằng Ireland cần được cứu nguy để đối phó với cuộc khủng hoảng ngân hàng và ngân sách.

 

Hệ thống ngân hàng của Ireland lên tiếng cầu cứu hỗ trợ để có thể "sống sót" khi thâm hụt ngân sách của nước này cao gấp 10 lần mức cho phép của EU trong năm nay. Các nhà ngoại giao châu Âu khi đó dự kiến Ireland được EU và IMF chấp thuận cho vay khoảng 90 tỷ euro (123 tỷ USD).

 

Và hôm 21-11, các bộ trưởng Tài chính châu Âu đã bật đèn xanh cho một kế hoạch tài chính này. Trước đó, chính phủ Ireland đã tài trợ cho các ngân hàng 50 tỷ euro. Hậu quả là mức thiếu hụt các khoản tài chính công lại tăng lên, tương đương 32% tổng sản phẩm nội địa.

 

Tuy nhiên, liều thuốc quốc tế mang vị đắng. Ireland cam kết phải giảm chi để tiết kiệm 15 tỷ euro trong vòng 4 năm tới hòng kéo tỷ lệ thâm thủng ngân sách từ 32% hiện nay xuống 3% so với GDP.

 

Tại Dublin, báo chí và nhiều người biểu tình trước tòa nhà chính phủ lên án quyết định cầu cứu nước ngoài và cho đây là một “thái độ đầu hàng, một quyết định nhục nhã”. Người dân Ireland đã hai lần bác bỏ hiệp ước châu Âu, không muốn để bị Brussels bắt tăng hàng loạt các khoản thuế, trong khi lợi thế về chính sách thuế khóa này đã giúp Ireland tăng trưởng mạnh trong những năm qua.

 

… đang lan khắp châu Âu, điều gì sẽ xảy ra?

 

Khác với Hy Lạp, lần này nhu cầu trợ giúp của EU và IMF là tránh cho ngân hàng Ireland chứ không phải nhà nước bị phá sản. Trong cuộc khủng hoảng tài chính Ireland, các nước châu Âu không những mong muốn nước này sớm đề nghị được giúp đỡ mà còn nhanh chóng xử lý, nếu so với việc giải quyết vấn đề Hy Lạp.

 

Hồi đầu năm nay, châu Âu đã mất nhiều tháng trời tranh luận, thuyết phục thì mới đưa ra được kế hoạch 110 tỷ euro (150 tỷ USD) để giúp Hy Lạp. Sau Hy Lạp, một cơ chế hỗ trợ các nước thành viên khối Euro được thành lập với tổng số vốn lên tới 750 tỷ euro. Nhờ vậy, châu Âu đã phản ứng nhanh chóng trong trường hợp Ireland.

 

Thế nhưng, nghi vấn thực sự mà các thị trường đang đặt ra là điều gì sẽ xảy ra sau 2 năm, khi các chương trình hỗ trợ kết thúc? Liệu nỗ lực của chính phủ các nước, EU và IMF có đủ để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ của nhiều quốc gia và nhiều ngân hàng?

 

Trước mắt, có lo ngại cho rằng căng thẳng tài chính có thể ảnh hưởng khắp Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha - những nước được cho là các thành viên yếu hơn trong khu vực đồng euro - và thậm chí ảnh hưởng lớn tới cả Italia.

 

Các nhà phân tích cho rằng nguy cơ lây lan khủng hoảng tài chính vẫn đè nặng châu Âu, đặc biệt là đối với Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha. Hai nước này có tình hình tài chính công không vững chắc và có thể gặp khó khăn, phải trả giá đắt khi đi vay tiền trên thị trường qua phát hành công trái.

 

Trong những ngày gần đây, chính quyền Bồ Đào Nha đã tìm mọi cách trấn an thị trường tài chính quốc tế. Mặc dù vậy, lãi suất công trái Bồ Đào Nha ngày 24/11 đã lên tới 6,560% thay vì chỉ có 6,50% cuối tuần trước.

 

Chuyên gia ngân hàng nhận định nếu áp lực này tiếp tục thì Bồ Đào Nha sẽ phải kêu gọi trợ giúp khẩn cấp. Ngay bây giờ, Bồ Đào Nha có thể chưa cần đến hỗ trợ của châu Âu thì sang năm tới, nước này phải đối mặt với một khoản nợ đáo hạn 25,6 tỷ euro trong đó có 19,7 tỷ phải thanh toán trong sáu tháng đầu năm 2011.

 

Hiện có nhiều chỉ trích cho rằng các chính sách của Chính phủ Bồ Đào Nha đang “đẩy người dân tới nghèo khổ và thảm cảnh”. Sự giận dữ và nỗi lo sợ về cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu, một cuộc khủng hoảng dường như đã tới mức không thể ngăn chặn được, không chỉ có ở Bồ Đào Nha mà đang lan tràn khắp châu lục.

 

Các nền kinh tế lớn đang phải vật lộn với các khoản thâm hụt ngày càng phình ra sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu buộc nhiều quốc gia phải ra tay giải cứu các ngân hàng, trong khi cuộc suy thoái nghiêm trọng sau đó cũng làm giảm doanh thu thuế.

 

Hồi tháng 5/2010, EU và IMF đã chung sức dành cho Hy Lạp khoản cứu trợ trị giá 110 tỷ euro để kéo nước này khỏi nguy cơ phá sản, gây ra những tình hình tài chính căng thẳng tại khu vực đồng euro. Lãi suất trái phiếu gia tăng là không bền vững và đang khiến nhiều người lo ngại về việc điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

 

Theo Dân Trí

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên