“Chạy nước rút” để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch

Cập nhật: 17-10-2022 | 08:56:53

Qua rà soát, UBND huyện Dầu Tiếng ghi nhận trong 9 tháng của năm địa phương đã hoàn thành 27/38 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), quốc phòng - an ninh. Lãnh đạo UBND huyện cho biết, từ nay đến cuối năm, địa phương tập trung chỉ đạo, điều hành, thường xuyên đôn đốc, giám sát các phòng, ban, địa phương triển khai nhiệm vụ chuyên môn để hoàn thành 11 chỉ tiêu còn lại.

 

Sau dịch bệnh, từ đầu năm đến nay kinh tế Dầu Tiếng đã hồi phục và phát triển trở lại. Trong ảnh: Một tuyến phố ở thị trấn Dầu Tiếng tập trung nhiều cửa hàng thương mại - dịch vụ phục vụ tốt nhu cầu người dân

 Kinh tế khởi sắc

Kể từ sau đại dịch Covid-19, nền KT-XH huyện Dầu Tiếng đã từng bước phục hồi và tăng trưởng trở lại. Ghi nhận của địa phương cho thấy, ước tổng giá trị sản xuất trên địa bàn trong 9 tháng của năm khoảng 15.149 tỷ đồng, tăng 14,40% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng 7.910 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ 4.916,22 tỷ đồng, tăng 12,60% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất nông nghiệp là 2.962 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết hiện nay địa phương đang có kế hoạch, lộ trình cụ thể về việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và hỗ trợ người dân tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp. Theo đó, kế hoạch từ nay đến năm 2030 địa phương dự kiến sẽ chuyển đổi hàng trăm ha đất trồng cây cao su thành đất chuyên canh các loại cây ăn trái đặc sản hoặc trang trại chăn nuôi. Việc hoạch định cây, con giống phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, thủy lý, thủy hóa… không chỉ giúp khả năng tăng trưởng của cây trồng, con giống được tăng cao mà còn giúp người dân tăng thu nhập. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã có khoảng 50 ha đất trồng cao su được người dân, doanh nghiệp chuyển đổi thành vườn cây ăn trái, trang trại chăn nuôi.

Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết sự tăng trưởng ở lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện cũng được thể hiện khá rõ nét. Đến nay, hoạt động của các doanh nghiệp tương đối ổn định. Tính đến tháng 10-2022 toàn huyện đã có 487 doanh nghiệp làm ăn hiệu quả. Để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực kinh tế công nghiệp - xây dựng, thời gian qua huyện tích cực phối hợp với Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng hoàn thiện quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ông Linh cho biết thêm, hoạt động kinh doanh, thương mại - dịch vụ trên địa bàn cũng đã ổn định. Đến nay, số lượng, mẫu mã, chủng loại hàng tiêu dùng trên địa bàn cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân. Địa phương thường tổ chức các chương trình khuyến mại, hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại để kết nối hàng Việt đến với người tiêu dùng.

Khẩn trương

Trao đổi với chúng tôi, ông Linh cho biết thời gian qua địa phương tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch vùng, nông thôn mới, đô thị theo hướng tích hợp đồng bộ với quy hoạch tỉnh. Đây là kim chỉ nam giúp địa phương có phương án, lộ trình cụ thể trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn trong nhiều năm sắp tới. Hiện Dầu Tiếng đang nỗ lực hoàn thành xây dựng quy hoạch vùng Dầu Tiếng, các phương án phát triển KT-XH cho từng giai đoạn. Dự kiến đến cuối năm nay địa phương sẽ hoàn thành và trình tỉnh phê duyệt các phương án quy hoạch kể trên.

Lãnh đạo huyện Dầu Tiếng cho biết, thời gian tới địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo phát triển KT-XH, nhất là việc triển khai thực hiện xây dựng các khu, cụm công nghiệp. Việc quy hoạch, hình thành các khu, cụm công nghiệp không chỉ có ý nghĩa, giá trị làm tiền đề giúp địa phương thu hút dân cư, người lao động để phát triển KT-XH mà còn giúp tỉnh cân đối lại bản đồ công nghiệp. Tạo cơ sở để hướng tới mục tiêu xây dựng Bình Dương thành đô thị thông minh, hiện đại, phát triển bền vững trong thời kỳ mới.

Trong cuộc họp thường kỳ mới đây, lãnh đạo UBND huyện đã giao các phòng ban, địa phương khẩn trương rà soát lại 11 nhiệm vụ chưa đạt yêu cầu để có giải pháp chạy nước rút, kịp thời hoàn thành trong các tháng cuối năm. Địa phương cũng xây dựng phương án tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để xúc tiến các thủ tục đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng nguồn thu ngân sách của địa phương.

Là địa phương có nền tảng hạ tầng còn yếu nên nhiều năm qua Dầu Tiếng tập trung toàn lực để quy hoạch, xây dựng, nâng cấp, mở rộng các dự án theo nguồn vốn đầu tư công. Trong 9 tháng của năm huyện Dầu Tiếng với quyết tâm cao đã hoàn thành 72% khối lượng công việc theo mức vốn đầu tư công được giao. Địa phương cũng có niềm tin lớn là sẽ bảo đảm hoàn thành 100% kế hoạch.

 Theo kế hoạch, trong các tháng cuối năm 2022, huyện Dầu Tiếng sẽ đôn đốc các đơn vị tư vấn, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ lập dự án phê duyệt thiết kế kỹ thuật chuẩn bị cho giai đoạn 2023. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công để giải ngân hết số vốn được giao bảo đảm theo yêu cầu của tỉnh. Dự kiến, trong năm 2023, địa phương sẽ rà soát lại các đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo đúng tinh thần là tập trung đầu tư xây dựng các dự án mang tính động lực, dân sinh giúp thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng tầm đô thị, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

 ĐÌNH THẮNG - TÚ BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên