Chi bộ “xe lửa” anh hùng

Cập nhật: 31-08-2013 | 00:00:00

 Những năm tháng oai hùng

Vào những ngày cả nước đang rộn ràng kỷ niệm Quốc khánh 2-9, chúng tôi có dịp về lại chi bộ xe lửa anh hùng để được nghe các vị lão thành cách mạng kể về lịch sử hào hùng của những người thợ xe lửa Dĩ An. Cách đây 111 năm (năm 1902), thực dân Pháp đãcho khởi công xây dựng đề-pô xe lửa Dĩ An, tiền thân Công ty TNHH MTV xe lửa Dĩ An ngày nay. Nơi đây đã ghi dấu sự ra đời của một trong những Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Xứ ủy Nam kỳ (tháng 1-1930), đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của công nhân nhà máy.   Công nhân công ty tích cực thi đua sản xuất lập thành tích kỷ niệm CMT8 và Quốc khánh 2-9, đồng thời mừng lễ đón nhận quyết định công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh

Bác Nguyễn Quốc Khang, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Đường sắt Việt Nam, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Công ty xe lửa Dĩ An giai đoạn 2004- 2010, cho biết: “Sau ngày đất nước giải phóng (30-4-1975), tôi được cấp trên cử về nhà máy và công tác tại đây. May mắn hơn, thời gian này, tôi được nghe các vị tiền bối kể lại những câu chuyện oai hùng của các thế hệ công nhân đề- pô. Đó là cuộc đình công vào ngày 1-5-1930. Lúc ấy trời vừa tảng sáng, hàng trăm công nhân tập trung trước nhà máy lãn công, phản đối tên đốc công Đu-bec-gen đánh một công nhân thợ sắt bịtrọng thương. Chủ nhà máy không lo cứu thương cho người bị nạn mà còn bênh vực tên đốc công. Dưới sự lãnh đạo của tổ chức Công hội Đỏ, công nhân toàn nhà máy ùa ra bãi công, đưa yêu sách đòi tên đốc công bồi thường tiền thuốc cho nạn nhân, đòi tăng lương, ngày làm 8 giờ, bỏ chế độlàm khoán, không được đánh đập công nhân. Nhiều công nhân còn bí mật dán bản yêu sách ngay trước cổng chính của nhà máy, hoặc viết trên giấy rải khắp các phân xưởng, xóm thợ và phố chợ Dĩ An, Thủ Đức. Lần đầu tiên nhân dân trong vùng thấy cờ đỏ búa liềm phất phới bay trên các ngọn cây dọc đường vào nhà máy. Cuộc đình công kéo dài suốt 5 ngày liền, cuối cùng Pháp phải nhượng bộ trước tinh thần đoàn kết, sự đấu tranh kiên cường của những người thợ xe lửa Dĩ An”.

Đôi mắt xa xăm, bác Khang tiếp tục hồi tưởng lại những năm tháng lịch sử oai hùng của các thế hệ công nhân đề-pô năm xưa. 9 năm kháng chiến chống Pháp, ngoài những cuộc đấu tranh chính trị, những công nhân đề-pô bí mật tháo gỡ máy móc, thiết bịchuyển vào chiến khu lập xưởng quân giới chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Hàng trăm tấn thiết bị, máy móc, nguyên liệu như: máy khoan, máy tiện, sắt, thép, đồng, chì… được vận chuyển vào chiến khu. Nhiều công nhân theo tiếng gọi kháng chiến, tạm rời nhàmáy tham gia lực lượng vũ trang, gia nhập xưởng quân giới. Những người ở lại tiếp tục làm nhiệm vụ cung cấp nguyên vật liệu cho chiến khu, xây dựng cơ sở đấu tranh với địch. 9 năm kháng chiến họ đã 2 lần tháo gỡ các máy móc, thiết bị để gửi vào chiến khu, gắn đấu tranh chính trịvới tổ chức phá hoại làm tê liệt sản xuất, 4 vụ làm đổ tàu, tham gia nhiều vụ trừ gian diệt ác làm chết hàng chục tên Pháp, nhiều toa xe chuẩn bị xuất xưởng bị công nhân bí mật đốt cháy.

Xứng đáng là đơn vị anh hùng

Hòa bình lập lại, những người thợ xe lửa Dĩ An cùng hội tụ về nhà máy, bắt tay khôi phục sản xuất. Một năm sau ngày đất nước được giải phóng, những người thợ xe lửa Dĩ An đã gây chấn động khi cho ra đời một toa xe B dài 19m, hoàn toàn mang thương hiệu Dĩ An từ thiết kế, gia công, chế tạo đến cung ứng vật tư. Vào cuối những năm 90, hàng chục toa xe khách chất lượng cao lắp đặt điều hòa được kỹ sư và công nhân nhàmáy nghiên cứu chế tạo, tạo bước ngoặt trong việc nâng cao chất lượng phục vụ hành khách với việc xuất hiện đoàn tàu thế hệ 2: S12, E12, SE12. Tiếp theo sáng kiến này, hàng loạt các sáng kiến khác mang tầm cấp bộ, ngành được hình thành, như: Chế tạo giá chuyển hướng xe khách kiểu Ấn, lò xo không khí, công nghệ trang trí nội thất xe khách bằng composite, chế tạo thùng xử lý chất thải microfor lắp trên các toa xe tàu SE12 thay thế hàng nhập… “Xe lửa Dĩ An là mảnh đất lành cho những sáng kiến, cải tiến sản xuất được nở rộ. Từ năm 2001-2005, nhà máy có tới 732 sáng kiến cógiá trị được ứng dụng trong sản xuất với giá trị lên tới 12,8 tỷđồng. Chính những sáng kiến này là động lực cho sự phát triển mạnh mẽ của công ty trong thời kỳ đẩy mạnh phát triển sản xuất”, bác Nguyễn Quốc Khang khẳng định.

Có thể nói, 21 năm kháng chiến chống Mỹ là thời kỳ khó khăn gian khổ nhất đối với phong trào công nhân đề-pô xe lửa Dĩ An. Những ký ức lịch sử hào hùng ấy luôn khắc ghi vào tâm trí của những công nhân xe lửa hôm nay để họ tự hào, phấn đấu thi đua lao động, sản xuất. Anh Nguyễn Công Minh, công nhân sửa chữa toa xe cho biết: “Công nhân chúng tôi vẫn thường nghe các bô lão trong phân xưởng kể về phong trào đấu tranh của công nhân ngày xưa. Đặc biệt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, phong trào công nhân nơi đây liên tục nổ ra với những cuộc đấu tranh đòi cải thiện đời sống, chống bắt lính, gom dân lập ấp chiến lược, chặn tàu địch để phát truyền đơn cho khách đi tàu, vận động con em công nhân không đi lính cho địch, nhiều gia đình công nhân dù bị giặc đàn áp, khủng bố nhưng vẫn bí mật đào hầm nuôi giấu cán bộ cách mạng”.

Hiện nay, công ty có 29 đường sắt nội bộ, hàng chục ngàn mét vuông nhà xưởng được sửa chữa, xây mới nhằm phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. Ngành nghề chủ yếu của chi bộ công ty là đóng mới, sửa chữa lớn đầu máy, toa xe các loại, dịch vụ gia công cơ khí vàtham gia các dịch vụ khác. Toàn công ty hiện có 250 công nhân, thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/ tháng. Ông Phạm Hồng Phi, Bí thư Đảng ủy kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV xe lửa Dĩ An, cho biết: Với mục tiêu lấy sản xuất, kinh doanh làm trung tâm, xây dựng Đảng làm then chốt, những năm qua Đảng ủy công ty đã thường xuyên đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên nhằm nâng cao sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo của Đảng. Thường xuyên chăm lo bồi dưỡng, giáo dục lực lượng trẻ, phát huy mạnh mẽ vai trò của tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên. Đặc biệt, tổ chức Công đoàn luôn chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ công nhân viên, xây dựng sân quần vợt, bóng chuyền, bóng bàn khang trang sạch đẹp; tổ chức khám chữa bệnh, tặng quàcho con em công nhân hiếu học, xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa cho công nhân nghèo; quan tâm đến công nhân làm việc ở khâu nặng nhọc, độc hại, tổ chức cho công nhân nghỉ mát, tham quan vào dịp lễ, tết; giám sát việc thực hiện phòng hộ lao động và các quy định của Nhà nước về an toàn lao động.

Từ những hoạt động ấy đã kích thích tinh thần anh em trong công ty hăng hái sản xuất, cải tiến kỹ thuật. Doanh thu hàng năm của công ty ước đạt từ 60 đến 100 tỷ đồng/năm.

 K.HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=706
Quay lên trên