Chỉ có ngân hàng mới được cho vay ngoại tệ

Cập nhật: 22-07-2010 | 00:00:00

Do tâm lý thực tế sợ đổi ra tiền đồng Việt Nam bị mất giá, nên trong giao dịch vay mượn lẫn nhau, không ít người thường dùng ngoại tệ mặt để giao dịch. Những giao dịch như vậy nếu “trót lọt”, hai bên vay mượn giữ chữ tín với nhau thì êm, nhưng nếu xảy ra tranh chấp thì rủi ro sẽ phát sinh hậu quả “mất tiền” (đôi khi khá lớn) đối với bên cho vay.

Điển hình rủi ro pháp lý về sử dụng ngoại tệ mặt cho vay qua vụ kiện “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” mà câu chuyện sau đây của luật sư Nguyễn Đăng Liêm (Đoàn Luật sư TP.HCM) tham gia với tư cách luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn là thân chủ của mình, là một bài học rất đáng tham khảo.

 

Ngoại hối chỉ được lưu hành qua hệ thống Ngân hàng Nhà nước

Cho vay nợ ngoại tệ: phạm pháp!

Diễn tiến của vụ tranh chấp dân sự này như sau: Nguyên từ giữa tháng 8-1997, bà S. Diễm, Việt kiều Mỹ, vì muốn giúp đỡ hỗ trợ đứa em của người bạn nối khố tên H.N qua năn nỉ thuyết phục của người bạn này, nên đã cho vay 12.000 USD với lãi suất 200 USD/tháng và 25 lượng vàng SJC 9999 với lãi suất quy ra tiền đồng là 2%/tháng bằng cam kết vay nợ giấy tay do bên vay viết. Do bên vay, chị H.N quá lình xình, trục trặc trong việc trả lãi và trong suốt thời gian vay chỉ trả được một phần lãi cho phần vốn vay ngoại tệ 12.000 USD. Còn phần vốn vay vàng thì hầu như không được trả đồng lãi nào. Và đến ngày 10-6-2008, thì bên vay, chị H.N “tịt ngòi” luôn và bị bà S. Diễm sai cháu ruột của mình đi đòi nhiều lần không được vì bên vay tránh mặt và khi hiếm hoi gặp được, bên vay còn ra mặt “tráo trở” nói ngang là: sắp tới khi có tiền sẽ chi trả vốn từ từ, chứ không trả lãi nữa vì “sạch túi rồi”, mặc dù chị ta mới bán được căn nhà đến 600 lượng vàng SJC 9999.

Do không đòi được cả vốn và lãi, lại bị thách đố, nên chủ nợ (là S. Diễm) bị sốc, bực tức “cực chẳng đã” phải vác đơn ra kiện ở tòa, mặc dù bản tính bà S. Diễm chẳng bao giờ muốn “đáo tụng đình”. Và qua kết quả xét xử sơ thẩm, đúng như phân tích dự báo của luật sư Nguyễn Đăng Liêm với tư cách luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn, rủi ro pháp lý đã ập lên vai của “người chủ nợ mất cảnh giác”!

“Mặc dù, căn cứ vững chắc trên các Điều 471 về “Hợp đồng vay tài sản”, Điều 474 về “nghĩa vụ trả nợ của bên vay”, Điều 476 khoản 1 về lãi suất với quy định cụ thể; “Lãi suất vay cho các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng” của Bộ luật Dân sự năm 2005 (kể cả vận dụng các Điều 467, 471 và 473 Bộ luật Dân sự nước CHXHCN Việt Nam năm 1995, có hiệu lực từ ngày 1-7-1996 cũng có các quy định tương tự, vì quan hệ dân sự phát sinh vào thời điểm tháng 8-1997). Tôi đã bảo vệ thành công yêu cầu của thân chủ mình với yêu cầu bị đơn hoàn trả đủ số vốn đã vay gồm 12.000 USD và 25 lượng vàng SJC 9999 với thông cảm cho bị đơn “con nợ” xóa không tính số nợ tiền lãi còn thiếu rất lớn. Nhưng phần lãi thì thua rất nặng...”! Luật sư Liêm cho biết: cái thua đó được chính ông báo trước cho thân chủ.

Kiện thắng mà... thua!

Bản án dân sự sơ thẩm nhận xét: “Giấy biên nhận vay số tiền 12.000 USD giữa bà S. Diễm và bà H.N là giao dịch ngoại hối trái với quy định tại khoản 2 Điều 1 và khoản 5 Điều 39 Nghị định số 63/1998/NĐ-CP ngày 17-8-1998 của Chính phủ và Thông tư số 01/1999/TT-NHNN7 ngày 16-4-1999 của Ngân hàng Nhà nước, thì ngoại hối chỉ được lưu hành qua hệ thống Ngân hàng Nhà nước, tổ chức và cá nhân được phép hoạt động ngoại hối. Do đó, bà H.N có trách nhiệm hoàn trả cho bà S. Diễm số tiền 12.000 USD quy đổi ra tiền Việt Nam vào thời điểm xét xử sơ thẩm là 193.470.000 đồng VN. Còn khoản tiền lãi mà bà S. Diễm đã nhận được của bà H.N tổng cộng là 218.235.000 đồng VN là tiền thu lợi từ giao dịch trái với quy định của pháp luật. Do đó, buộc bà S. Diễm nộp lãi 218.235.000 đồng để sung công quỹ Nhà nước”.

Tòa đã ra phán quyết tuyên xử: Buộc bà H.N có trách nhiệm trả cho bà S. Diễm số tiền 193.470.000 đồng (quy đổi từ 12.000 USD) và 25 lượng vàng SJC 9999, ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật. Và buộc bà S. Diễm phải nộp lại số tiền 218.235.000 đồng là tiền lãi thu lợi từ giao dịch trái với quy định của pháp luật, để sung công quỹ Nhà nước.

Như vậy, rõ ràng thắng lợi của bà S. Diễm là không trọn vẹn, có thắng (lấy lại đủ số vốn đã cho vay qua phán quyết của bản án) và cũng có thua (phải nộp vào ngân sách Nhà nước toàn bộ số lãi đã thụ hưởng, tuy con nợ chỉ mới trả chưa tới một nửa số lãi theo cam kết). Coi như về thực chất, bà S. Diễm cho vay vốn ngoại tệ hầu có “đồng ra đồng vào” khoản tiền lãi để tiêu xài, nhưng do sơ hở về mặt luật pháp, vô hình trung giống như cho mượn “chùa” không có lãi được đồng nào suốt 11 năm (từ năm 1997 đến năm 2008).

Qua vụ kiện dân sự “tranh chấp hợp đồng vay tài sản” này, cho thấy cần cảnh giác cao đối với bà con do ít am hiểu các quy định pháp luật, trong quan hệ giao dịch, cho vay mượn ngoại tệ mặt dễ gặp rủi ro, thiệt hại khá lớn như trên”, luật sư Nguyễn Đăng Liêm cảnh báo.

MINH CHÂU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=421
Quay lên trên