Chi cục Kiểm lâm tỉnh: Nỗ lực quản lý, bảo vệ rừng và đa dạng sinh học
Theo dõi Báo Bình Dương trên
![](https://cdn.baobinhduong.vn/image/assets/images/gg-news-v2.png)
Đầu năm mới 2025 cũng là thời điểm của mùa khô, lực lượng Kiểm lâm tỉnh đang ra sức tập trung phối hợp thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại rừng phòng hộ Núi Cậu Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng). Đồng thời, đơn vị tích cực vận động người dân tham gia bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã, tạo môi trường tự nhiên đa dạng sinh học.
Bảo đảm an toàn phòng cháy rừng
Những ngày đầu Xuân Ất Tỵ 2025, lực lượng Kiểm lâm tỉnh phối hợp với các lực lượng chức năng đã tổ chức khảo sát, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) tại rừng phòng hộ Núi Cậu Dầu Tiếng. Qua kiểm tra, phương án PCCCR đã xây dựng và được phê duyệt; lực lượng trực PCCCR được phân công, bố trí tại các chốt và các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy; các dụng cụ, phương tiện phục vụ chữa cháy, vật dụng chứa nước (bình xịt nước, bể chứa nước, trụ cấp nước) đều được chứa đầy nước và đặt trong tư thế sẵn sàng.
![](https://cdn.baobinhduong.vn/image/ckeditor/2025/20250214/images/chi-cuc-kiem-lam-1.jpg)
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, công tác PCCCR luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách được đơn vị tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Trong đó, lực lượng chức năng thường xuyên phối hợp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ rừng và PCCCR. Tại rừng phòng hộ Núi Cậu Dầu Tiếng, lực lượng chức năng, đơn vị và chính quyền địa phương đã khảo sát, thực hiện cắm nhiều biển thông tin đường dây nóng bảo vệ rừng, PCCCR, như nghiêm cấm các hành vi: Chặt phá, lấn chiếm đất rừng; tụ tập, đốt lửa trong rừng; săn bắt động vật rừng; khai thác khoáng sản và dược liệu trong rừng. Các biển cấm này được đặt ở nhiều khu vực để tuyên truyền, phổ biến đến người dân sống ven rừng, khách tham quan, du lịch thực hiện nghiêm túc các quy định.
Ngoài ra, đơn vị cũng tổ chức phương án quản lý bền vững, bảo vệ cảnh quan rừng Kiến An (xã An Lập, huyện Dầu Tiếng) quản lý bảo vệ nghiêm ngặt toàn bộ diện tích hơn 209 ha; trong đó có hơn 97 ha là rừng tự nhiên được bảo vệ, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên nhằm phát huy khả năng tái sinh tự nhiên để phục hồi rừng. Song song đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Dầu Tiếng xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện phương án PCCCR theo quy định; phối hợp với UBND xã An Lập tổ chức phổ biến kiến thức pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, di tích lịch sử, PCCCR đến người dân.
Bên cạnh đó, Công an huyện Dầu Tiếng tích cực phối hợp tuyên truyền phổ biến kiến thức an toàn PCCC, thực hành phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ cho cán bộ, công nhân viên chức, người lao động, người dân. Đáng chú ý nhất là vào cuối năm 2024, chuẩn bị bước sang mùa khô, lực lượng chức năng huyện phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tổ chức thành công buổi diễn tập chữa cháy rừng với sự tham gia của 100 người tại khoảnh 9, tiểu khu 16 của rừng phòng hộ Núi Cậu Dầu Tiếng. Qua đó, nâng cao năng lực ứng phó, tác chiến trong công tác PCCCR.
Quan tâm bảo tồn đa dạng sinh học
Ngày 31-12-2024, lực lượng liên ngành tỉnh Bình Dương đã phối hợp với Ban Quản lý vườn Quốc gia Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) tổ chức thả 10 cá thể động vật rừng về môi trường tự nhiên tại vườn Quốc gia Bù Gia Mập. 10 cá thể động vật rừng do tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp, gồm: Kỳ đà vân, trăn gấm, trăn đất, tê tê Java và khỉ đuôi lợn được thả về lại môi trường tự nhiên tại vườn Quốc gia Bù Gia Mập, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học.
![](https://cdn.baobinhduong.vn/image/ckeditor/2025/20250214/images/chi-cuc-kiem-lam-2.jpg)
Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết năm 2024 đơn vị phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp nhận gần 60 cá thể động vật hoang dã các loài do tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp. Sau đó, lực lượng liên ngành đã phối hợp tái thả về môi trường rừng tự nhiên 40 cá thể động vật hoang dã tại Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai), vườn Quốc gia Bù Gia Mập; tiêu hủy 4 cá thể, tạm gửi Trạm bảo tồn động vật hoang dã huyện Dầu Tiếng (WAR) cứu hộ 16 cá thể để chờ lập thủ tục thả về môi trường rừng tự nhiên. Trong công tác quản lý, qua rà soát trên địa bàn tỉnh có hơn 80 tổ chức, hộ gia đình đang gây nuôi hơn 75 loài với hơn 5.285 cá thể động vật hoang dã; hơn 10 cơ sở trồng cấy thực vật hoang dã (thuộc phụ lục II CITES) có tổng diện tích hơn 189 ha, gồm 2 loài cây dó bầu và cây sưa.
Tại hơn 20 cơ sở nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, động vật hoang dã nguy cấp thuộc phụ lục CITES đều được cấp mã số nhằm quản lý chặt, tuân thủ các quy định của pháp luật. Ngoài ra trong năm 2024, lực lượng Kiểm lâm tỉnh cũng phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND cấp xã tổ chức kiểm tra 10 cơ sở về điều kiện chuồng trại nuôi nhốt động vật hoang dã hung dữ.
Năm 2024, Chi cục Kiểm lâm tỉnh thành lập 5 tổ kiểm tra phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất đối với 41 trường hợp (26 tổ chức, 15 cá nhân). Kết quả, các tổ đã phát hiện và xử lý hơn 10 vụ vi phạm (đối tượng là cá nhân) liên quan đến hành vi quảng cáo, nuôi nhốt, mua bán, cất giữ động vật rừng trái pháp luật (diều hoa Miến Điện, rồng Nam Mỹ…), phạt tổng số tiền hơn 44 triệu đồng, thu giữ động vật rừng. |
HƯNG PHƯỚC