Chi đội 1 - Mốc son lịch sử của lực lượng vũ trang Bình Dương

Cập nhật: 24-09-2013 | 00:00:00

Kỳ 2: Niềm tự hào của lực lượng vũ trang Bình Dương

> Kỳ 1: Chiến khu An Sơn

Ngày 25-11-1945, Chi đội 1 - Giải phóng quân Nam bộ chính thức được thành lập tại xã An Sơn, quận Lái Thiêu (nay là TX.Thuận An). Chi đội 1 ra đời đánh dấu thời kỳ mới về sự hình thành của lực lượng vũ trang (LLVT) Bình Dương - lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân đánh giặc, giải phóng quê hương, bảo vệ Tổ quốc. Trải qua bao thăng trầm, Chi đội 1 vẫn là mốc son chói lọi của lịch sử LLVT Bình Dương.

Chi đội 1 - đơn vị vũ trang đầu tiên của tỉnh Thủ Dầu Một năm 1947

Thời điểm ra đời Chi đội 1 - Giải phóng quân Nam bộ

Theo những nhân chứng lịch sử kể lại, trong những ngày đầu kháng chiến, LLVT của tỉnh còn phân tán, chưa thống nhất về mặt tổ chức và chỉ huy. Ngoài các đơn vị do các đảng viên và một số cán bộ ngoài Đảng chỉ huy quyết tâm giải phóng quê hương, còn một số đơn vị ô hợp, hữu danh vô thực, chẳng những không dám đối đầu với địch mà còn nhũng nhiễu nhân dân, bắt dân phải tiếp tế cho chúng, đồng thời gây nhiều khó khăn cho chính quyền địa phương. Trong khi đó, quân Pháp được tăng cường lực lượng và mở rộng vùng lấn chiếm lên phía bắc của tỉnh như Lộc Ninh, Bù Đốp, Hớn Quản, Dầu Tiếng nhằm tái lập lại quyền lợi của chúng trên vùng đất cao su bạt ngàn, màu mỡ này.

Nhằm đáp ứng những yêu cầu và nhiệm vụ mới, LLVT tỉnh cần được tổ chức và chỉ huy thống nhất tạo thành sức mạnh mới to lớn hơn. Ngày 25-10-1945, Hội nghị Xứ ủy Nam bộ đã triệu tập cuộc họp mở rộng tại Thiên Hộ, huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho. Một trong những nhiệm vụ quan trọng hội nghị đề ra là lãnh đạo đẩy mạnh công cuộc kháng chiến và củng cố, xây dựng LLVT cách mạng ở Nam bộ, đặt LLVT dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đầu tháng 11-1945, tại cuộc họp ở sở cao su của Hội đồng Cần thuộc xã Tân Định (xã Tân Định, huyện Bến Cát ngày nay), ông Nguyễn Bình, đặc phái viên quân sự Trung ương được cử vào Nam bộ và ông Huỳnh Kim Trương, Ủy viên quân sự tỉnh Thủ Dầu Một đã bàn bạc và thống nhất chủ trương thành lập ngay một đơn vị vũ trang tập trung trên cơ sở thống nhất các LLVT trong tỉnh, lấy tên là Chi đội 1. Ngày 20-11- 1945, Hội nghị quân sự tại An Phú Xã (Hóc Môn) đã công nhận chi đội giải phóng quân của tỉnh Thủ Dầu Một với phiên hiệu “Chi đội 1 - Giải phóng quân Nam bộ”.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị quân sự tại An Phú Xã, ngày 25-11-1945, Chi đội 1 - Giải phóng quân Nam bộ chính thức được thành lập tại xã An Sơn, quận Lái Thiêu. Quân số lúc mới thành lập gồm 800 cán bộ, chiến sĩ; vũ khí gồm 80 súng trường, 10 súng phóng lựu đạn, 10 súng máy và nhiều đạn dược khác. Chi đội 1 được biên chế thành 3 đại đội, trong đó đại đội 1 phụ trách vùng Lái Thiêu; đại đội 2 phụ trách vùng Châu Thành và TX.Thủ Dầu Một; đại đội 3 phụ trách Bến Cát và Hớn Quản.

Chi đội 1 - Giải phóng quân Nam bộ của tỉnh Thủ Dầu Một là tổ chức vũ trang cách mạng đầu tiên ở miền Đông Nam bộ, do Đảng tổ chức xây dựng sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, là đơn vị vũ trang tập trung được thành lập sớm nhất ở Nam bộ. Chi đội 1 ra đời có ý nghĩa to lớn, đánh dấu bước trưởng thành quan trọng của các đơn vị vũ trang được tổ chức chặt chẽ, thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chi đội 1 không những đáp ứng nhiệm vụ chiến đấu tại địa phương mà còn thúc đẩy, hỗ trợ cho lực lượng dân quân, du kích ngày càng phát triển, tạo thành sức mạnh tổng hợp của lực lượng ba thứ quân, đánh địch trên khắp các địa bàn tỉnh. Bản thân Chi đội 1 là hình ảnh thu nhỏ của khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, đủ cả Nam - Trung - Bắc, các thành phần từ công nhân, nông dân, học sinh, sinh viên, viên chức, người Việt, người Hoa… Đặc biệt, có một số lính Đức (trong quân đội viễn chinh Pháp), lính Nhật tự giác xin gia nhập quân đội ta trong những năm đầu và họ đã đóng góp công lao, xương máu của mình cho cuộc kháng chiến.

Những chiến công hiển hách

Ông Đinh Văn Bê, nguyên Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã An Sơn, một nhân chứng lịch sử nhớ lại: “Tôi còn nhớ rất rõ, ngày đó Chi đội 1 được thành lập ở ấp An Quới. Người dân An Sơn khi thấy một đơn vị vũ trang chính thức đầu tiên của tỉnh được thành lập ngay trên mảnh đất quê hương đều xúc động, ai cũng sung sướng. Lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy cán bộ, chiến sĩ trong một đơn vị LLVT cách mạng, trong đó có nhiều người là dân An Sơn, hàng ngũ chỉnh tề tuyên thệ dưới cờ Tổ quốc. Khí thế ngày thành lập sôi động lắm. Cán bộ, chiến sĩ Chi đội 1 đã đông, người dân hiếu kỳ đến xem còn đông hơn. Từ đó, nhân dân An Sơn đóng góp nuôi quân. Mỗi ngày, Hội phụ nữ cử 1 tổ thay phiên nấu cơm phục vụ bộ đội; gạo, mắm, muối, đồ hàng bông, đường sữa, thuốc men… cho bộ đội cũng từ dân đóng góp”.

Đại tá Hồ Văn Nam, chiến sĩ Chi đội 1, nguyên Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sông Bé tự hào cho biết, Chi đội 1 đã có nhiều chiến công hiển hách, làm nức lòng người dân và cán bộ, chiến sĩ trong chi đội. Riêng bản thân ông, trước Cách mạng tháng Tám 1945 gia nhập lực lượng Thanh niên Tiền phong ở TX.Thủ Dầu Một. Ngày 25-8-1945, ông tham gia lực lượng xuống đường cướp chính quyền, giải phóng Thủ Dầu Một. Sau Cách mạng tháng Tám, ông làm phụ xe đưa bộ đội xuống mặt trận cầu Bến Phân đánh giặc. Vài tháng sau, ông được đưa về địa phương, rồi tham gia làm liên lạc ở xã. Đến năm 1947, ông chính thức nhập ngũ vào Trung đội 2, Đại đội 2 thuộc Chi đội 1.

Trận đấu mở màn quân ta dùng mìn để đánh giao thông gây lo sợ cho giặc Pháp, đồng thời tạo được lòng tin nơi bà con, đó là trận đánh xe lửa tại cầu Ông Khương lần thứ 2 vào ngày 3-10- 1947. Trận đánh này ta sử dụng mìn đặt dưới đường ray xe lửa. Xe lửa có lô cốt Vagon được một tiểu đội Âu Phi trang bị đại liên và khoảng chục khẩu súng trường bảo vệ. Khi xe lửa chạy qua, đến toa có lô cốt Vagon ta cho nổ mìn làm đoàn xe lửa đứt đuôi. Tiếng nổ long trời lở đất làm cho toàn bộ quân địch trên lô cốt Vagon chết, ta thu toàn bộ vũ khí, người dân thu được cả chục tấn gạo.

Một trong những trận đánh tiêu biểu của Chi đội 1 trong những ngày đầu mới thành lập là phá tan “Chiến khu ma” của Chính phủ “Nam kỳ tự trị” Lê Văn Hoạch tại Bình Quới Tây tháng 12-1947, một xã nằm ở ven đô Sài Gòn - Gia Định (khu Thanh Đa ngày nay). Bình Qưới Tây là một ốc đảo hết sức an toàn của địch bởi ngoài đánh vào nhất thiết phải vượt qua những khoảng sân rộng, hành quân bộ thì chỉ vận động theo một con đường có chiếc cầu sắt đã được chốt chặn. Mặt khác, khi quân vào cũng như quay ra phải vượt qua hơn chục cây số dày đặc đồn bót. Ở đây, một đại đội Cao Đài được đưa về trú đóng với 5 khẩu súng máy, 1 khẩu cối 60 ly, hàng trăm súng trường và tiểu liên loại tốt.

Để đánh trận này, Chi đội 1 đã tiến hành cài người vào trong lòng địch. Sau mấy đợt cài người, ta đã đưa vào Bình Quới Tây 1 đại đội gồm du kích, bộ đội, biệt động. Trong đó có hơn 20 đảng viên, cán bộ chỉ huy, trinh sát giao liên và đầy đủ các bộ phận phục vụ khác. Thời cơ đến, trận chiến nổ ra; thay vì diễn ra 30 phút như dự kiến thì chỉ không đầy 10 phút, cán bộ chiến sĩ Chi đội 1 đã làm chủ chiến trường. Số vũ khí, quân trang, quân dụng ta thu được trong trận này đủ trang bị cho một tiểu đoàn. Đặc biệt, trận chiến kết thúc, cán bộ, chiến sĩ của ta không mất một người.

Đến cuối năm 1947, Chi đội 1 đã trở thành một chi đội mạnh về cả chính trị, tư tưởng, lực lượng, vũ khí, cũng như kinh nghiệm và khả năng chiến đấu. Quân số Chi đội 1 đã lên tới 2.000 người, trong đó có 142 đảng viên; 1.350 súng trường, 28 tiểu liên, 18 trung liên, 10 đại liên.

Với bao chiến công hiển hách, Chi đội 1 đã đánh dấu thời kỳ mới về sự hình thành LLVT tỉnh, lực lượng nòng tốt trong phong trào toàn dân đánh giặc, giải phóng quê hương, bảo vệ Tổ quốc. Kế thừa những thành quả đó, dù trong điều kiện nào LLVT tỉnh cũng hoàn thành sứ mệnh lịch sử, góp phần vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước nói chung và tỉnh nhà nói riêng.

 T.THẢO - N.NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2018
Quay lên trên