Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên cuộc sống của người nghèo và các đối tượng chính sách khác gặp không ít khó khăn. Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng này, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Bình Dương đã triển khai các giải pháp huy động nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn cho người dân. Đây được xem như “lực kéo” quan trọng, hữu hiệu, trực diện giúp người nghèo và các đối tượng chính sách không bị bỏ lại phía sau.
Ngân hàng CSXH tỉnh Bình Dương giải ngân vốn cho khách hàng
Tín dụng chính sách đến tận tay đối tượng
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, Ngân hàng CSXH tỉnh Bình Dương đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, như: Điều chỉnh kỳ hạn nợ, cho vay bổ sung để khôi phục sản xuất, gia hạn nợ đối với hộ vay gặp khó khăn. Mặt khác, Ngân hàng CSXH tỉnh Bình Dương rà soát, đánh giá các trường hợp rủi ro do dịch bệnh để đề nghị xử lý theo quy định của Ngân hàng CSXH… Những giải pháp này đã cho thấy hiệu quả, tín dụng chính sách đã đến tận tay những trường hợp cần hỗ trợ.
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng CSXH tỉnh Bình Dương đã được Ngân hàng CSXH Trung ương và ngân sách địa phương giao thêm 467 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương là 212 tỷ đồng, ngân sách địa phương ủy thác là 255 tỷ đồng. |
Điển hình như trường hợp hộ Trần Hữu Tài, khu phố6, phường Tương Bình Hiệp (TP.ThủDầu Một) được vay số tiền 100 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm để sử dụng vào mục đích làm sơn mài. “Với sự hỗ trợ kịp thời bằng việc cho vay bổ sung nguồn vốn trong thời điểm gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh đã có điều kiện tái sản xuất, duy trì hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ… phù hợp”, anh Trần Hữu Tài chia sẻ.
Ông Võ Văn Đức, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Bình Dương, cho biết với phương châm đồng hành với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Ngân hàng CSXH tỉnh Bình Dương tích cực phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác giải ngân hỗ trợ kịp thời vốn cho các đối tượng. Từ đầu năm đến nay, đã có hơn 27.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng ưu đãi với số tiền trên 1.130 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH tỉnh cũng đã thực hiện cơ chế xoay vòng vốn linh hoạt hơn để hỗ trợ người dân trong quá trình trả lãi, trả nợ. Với sự hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn trong thời điểm sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, bà con nông dân, các hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bình Dương có điều kiện tái sản xuất, duy trì hoạt động kinh doanh phù hợp với những biến động của thị trường.
Cho vay đúng đối tượng
Thời gian qua, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh cũng tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thực hiện tốt quy trình bình xét cho vay, bảo đảm đúng đối tượng, sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đúng mục đích. Đến nay, dư nợ tín dụng chính sách là 3.225 tỷ đồng, với 73.000 hộ nghèo và đối tượng chính sách đang được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi thông qua hoạt động ủy thác cho vay của 1.606 tổ tiết kiệm và vay vốn của các tổ chức nhận ủy thác. Ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn của các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý nguồn vốn tín dụng ngay từ khâu bình xét, lựa chọn đối tượng vay cũng như giám sát việc sử dụng vốn vay và đôn đốc người vay hoàn thành việc thanh toán lãi, nợ gốc đúng hạn.
Song song đó, Ngân hàng CSXH tỉnh Bình Dương cũng chỉ đạo phòng giao dịch các huyện, thị, thành phố chủ động phối hợp với các cấp ủy, chính quyền địa phương theo dõi, nắm bắt diễn biến, thống kê, rà soát mức độ bị ảnh hưởng, thiệt hại do dịch bệnh để giải quyết khó khăn, vướng mắc. Ngân hàng cũng đưa ra nhiều giải pháp linh hoạt trên cơ sở tuân thủ quy định của ngân hàng cấp trên, giúp các hộ vay giảm bớt gánh nặng, có thêm thời gian vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Trong đó, gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ đối với khách hàng vay vốn chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 chưa có điều kiện trả được nợ gốc đến hạn; không giao dịch được với Ngân hàng CSXH và chưa trả được nợ gốc đến hạn sẽ được gia hạn nợ hoặc xem xét đến các yếu tố rủi ro để xử lý nợ theo quy định.
Ông Võ Văn Đức cho biết thêm, thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3- 2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh Covid-19 và Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 31-3-2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, chia sẻ khó khăn với các hộ vay, Ngân hàng CSXH tỉnh Bình Dương phối hợp với các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác, tổ tiết kiệm vay vốn và UBND các xã, phường tập trung rà soát, đánh giá mức độ khó khăn của các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 gây ra. Từ đó, Ngân hàng CSXH tỉnh Bình Dương có cơ chế quay vòng vốn linh hoạt hơn để hỗ trợ người dân trong việc trả lãi, trả nợ, cho vay để khôi phục sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống.
TƯỜNG VY