Chỉ số đổi mới sáng tạo: Nâng cao năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo

Cập nhật: 01-09-2024 | 10:00:30

(BDO) Bình Dương có điểm số đứng thứ 8 cả nước trong bảng Chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) cấp địa phương (PII) năm 2023. Kết quả này sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực ĐMST của Bình Dương; đồng thời giúp cung cấp bằng chứng khoa học cho việc hoạch định chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển khoa học công nghệ (KHCN) và ĐMST của tỉnh phù hợp với điều kiện, tiềm năng và lợi thế của địa phương.

 Trung tâm ĐMST Công nghiệp 4.0

Thúc đẩy sự sáng tạo

Trong năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tiến hành thu thập thông tin từ các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 3442/UBND-VX ngày 10-7-2023 liên quan đến việc cung cấp dữ liệu Bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương. Dữ liệu này sau đó được gửi về Bộ KH&CN tổng hợp, đánh giá.

Tiến sĩ Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở KH&CN cho biết, kết quả đánh giá PII 2023 không chỉ là các con số đơn thuần, mà còn là những dấu hiệu, phản ánh rõ ràng về sự phát triển và khả năng cạnh tranh của tỉnh Bình Dương. Qua việc đánh giá và phân tích về chỉ số PII, tỉnh Bình Dương đã có cái nhìn tổng quan và đa chiều về năng lực ĐMST của tỉnh, bao gồm nhiều lĩnh vực và ngành nghề. Từ đó, tỉnh đã có thể xác định những vấn đề quan trọng cần tập trung và định hướng trong việc xây dựng và thực hiện các biện pháp, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển dựa trên KHCN và ĐMST. Điều này góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực ĐMST của tỉnh.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF) cùng lãnh đạo Sở KH&CN thăm Trung tâm Sáng kiến cộng đồng Bình Dương (BIIC)

Bộ Chỉ số PII do Bộ KH&CN chủ trì xây dựng nhằm cung cấp bức tranh thực tế tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KHCN và ĐMST của từng địa phương. Qua đó, chỉ số PII cung cấp căn cứ, bằng chứng về điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KHCN và ĐMST.

Theo báo cáo về Chỉ số PII năm 2023, Bình Dương đạt 48,64 điểm, đứng thứ 8 cả nước. Trong khi đó, Hà Nội có điểm số cao nhất là 62,86 điểm. Bình Dương đứng thứ ba về số lượng các chỉ số dẫn đầu, với 7 chỉ số trên tổng số 52 chỉ số thành phần, bao gồm chỉ số tỷ lệ doanh nghiệp (DN) có hoạt động nghiên cứu phát triển và ĐMST, số lượng DN mới thành lập, tỷ lệ người trên 15 tuổi có việc làm, thu nhập bình quân đầu người. Đối với vùng Đông Nam bộ, Bình Dương có điểm PII đứng thứ 3, TP.Hồ Chí Minh có điểm số cao nhất: 55,85 điểm.

Tiến sĩ Nguyễn Việt Long cho biết thêm, PII tỉnh Bình Dương năm 2023 là kết quả của sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị, DN và người dân trong tỉnh. Sự hòa nhập và hợp tác chặt chẽ giữa các bên đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tận dụng tối đa tài nguyên và cơ hội đổi mới. Chính sách hỗ trợ địa phương của tỉnh, cùng với sự đầu tư vào hạ tầng đổi mới và giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một môi trường đổi mới sôi động.

“Sự cam kết và tham gia tích cực của DN địa phương, cũng như sự ủng hộ và động viên từ cộng đồng dân cư là yếu tố chính thúc đẩy sự phát triển của ĐMST ở địa phương. Điều này tạo ra một môi trường đa chiều và phong phú, thúc đẩy sự sáng tạo và tăng cường cạnh tranh cho tỉnh Bình Dương trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng tăng”, Tiến sĩ Nguyễn Việt Long cho biết.

Tiếp tục cần chính sách và chương trình hỗ trợ

Mặc dù Bình Dương đã đạt được những kết quả trong việc thúc đẩy chỉ số ĐMST cấp địa phương, tuy nhiên tỉnh vẫn phải đối diện với một số thách thức và hạn chế.

 Trung tâm ĐMST Trường Đại học Quốc tế Miền Đông

Một trong những thách thức lớn là thiếu hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các DN và cá nhân trong việc thúc đẩy ĐMST. Sự khan hiếm về tài nguyên này có thể làm chậm tiến trình phát triển và áp dụng công nghệ mới.

Bên cạnh đó, Bình Dương cũng đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các khu vực lân cận và quốc tế, gây áp lực cạnh tranh lớn. Theo Tiến sĩ Nguyễn Việt Long, để duy trì vị thế trên thị trường, tỉnh cần phải tăng cường năng lực cạnh tranh, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong quá trình thúc đẩy sự ĐMST.

Không chỉ vậy, Bình Dương còn đang gặp khó khăn trong việc xây dựng một môi trường thúc đẩy sự ĐMST. Khoảng cách này có thể bắt nguồn từ các hạn chế về chính sách và văn hóa DN. Để vượt qua thách thức này, theo Tiến sĩ Nguyễn Việt Long, tỉnh cần tạo ra các chính sách và chương trình hỗ trợ, cùng với việc thúc đẩy văn hóa sáng tạo trong cộng đồng DN.

Ngoài ra, mặc dù có nguồn lao động đa dạng, Bình Dương đang phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt kỹ năng và tri thức. Để đáp ứng nhu cầu của một nền kinh tế ngày càng phát triển, tỉnh cần tăng cường đầu tư vào giáo dục và đào tạo, cũng như khuyến khích hoạt động nghiên cứu và sáng tạo.

Ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Bộ Chỉ số PII có ý nghĩa rất quan trọng đối với Bình Dương vì tỉnh đang hướng tới phát triển thành phố thông minh, ĐMST. PII sẽ là cơ sở quan trọng để tỉnh nắm bắt được thực trạng hoạt động KHCN, ĐMST trên địa bàn và có định hướng giải pháp phát triển phù hợp.

Ông Nguyễn Võ Hưng, Trưởng ban Chính sách ĐMST, Học viện KHCN và ĐMST: Một trong những điểm mạnh đáng chú ý của Bình Dương là sự hợp tác chặt chẽ giữa DN, các cơ sở giáo dục và nghiên cứu. Mối quan hệ này không chỉ cung cấp cơ hội cho việc chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm mà còn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp tăng cường năng lực ĐMST trong cộng đồng DN địa phương. Bình Dương còn có một nguồn lao động đa dạng với trình độ và chất lượng đào tạo tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy sự đổi mới và phát triển.

Tiến sĩ Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở KH&CN: Chỉ số PII năm 2023 của Bình Dương là kết quả rất đáng khích lệ, là minh chứng cho nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng DN trong việc thúc đẩy ĐMST. Thông qua kết quả chỉ số PII, Bình Dương có thể nắm bắt bức tranh tổng thể về năng lực ĐMST của tỉnh, bao gồm cả yếu tố đầu vào và kết quả đầu ra. Bên cạnh đó, tỉnh có thể so sánh, đối chiếu với các địa phương khác, rút kinh nghiệm, học hỏi, định vị Bình Dương trên bản đồ ĐMST của cả nước.

 Phương Lê - Quang Trí

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=984
Quay lên trên