Chỉ số giá tiêu dùng 8 tháng năm 2019 tăng 2,57%

Cập nhật: 04-09-2019 | 06:40:58

Theo Tổng cục Thống kê, bình quân 8 tháng năm 2019 Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,57% so với cùng kỳ năm 2018 - mức tăng bình quân 8 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục được điều chỉnh tăng theo lộ trình nhằm tiệm cận với giá thị trường, ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi, thời tiết nắng nóng kéo dài ở một số địa phương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiên định chính sách tiền tệ linh hoạt giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô là những yếu tố làm cho CPI tháng 8-2019 tăng 0,28% so với tháng trước, tăng 1,87% so với tháng 12-2018, tăng 2,26% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, so với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 8 nhóm hàng tăng giá. Cụ thể, trong tháng 8, thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,81%; giáo dục tăng 0,57%; nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng tăng 0,33%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,24%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,14%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,09%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,03%.

Ở chiều ngược lại, có 3 nhóm hàng giảm giá gồm giao thông (giảm 0,46%); văn hóa, giải trí và du lịch (giảm 0,06%) và bưu chính viễn thông (giảm 0,05%).

Đưa ra các nguyên nhân làm tăng CPI trong tháng 8, Tổng cục Thống kê cho biết, do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi, nguồn cung thịt heo giảm (tính đến ngày 20-8-2019 tổng số heo bị tiêu hủy khoảng 4,4 triệu con với tổng trọng lượng khoảng 255.505 tấn) làm cho giá thịt heo tháng 8-2019 tăng 0,89% so với tháng trước, tác động đến CPI chung tăng 0,04%.

Bên cạnh đó, giá dịch vụ y tế điều chỉnh tăng theo Thông tư số 13/2019/TT-BYT ngày 5-7-2019 của Bộ Y tế về việc quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và Thông tư số 37/2018/TT-BYT về quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế tăng 3,64% góp phần tăng CPI chung 0,14%.

Một nguyên nhân nữa khiến CPI tăng, do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tăng học phí năm học mới 2019-2020 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2-10- 2015 của Chính phủ...

T.NGUYÊN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=259
Quay lên trên