Giá nguyên vật liệu thay đổi từng tháng trong khi chỉ số giá xây dựng được Bộ Xây dựng công bố theo quý. Do không lường trước được biến động, doanh nghiệp đã thua lỗ nặng khi giá trên thị trường tăng mạnh.
Tại hội thảo về chỉ số giá xây dựng trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng do Bộ Xây dựng tổ chức sáng 16-9, các chuyên gia cho rằng, chỉ số giá xây dựng giúp các doanh nghiệp bù giá nguyên, nhiên vật liệu trong dự toán xây dựng công trình. Tuy nhiên, hiệu quả của chỉ số này mang lại chưa cao.
Chỉ số giá xây dựng cần phải được công bố theo tháng.
Chỉ số do Bộ Xây dựng công bố không đưa ra công thức tính trượt giá thống nhất, mà thường do các chủ đầu tư quy định trong từng hợp đồng.
Ông Lâm Văn Hoàng, Ban quản lý dự án 2 Bộ Giao thông - Vận tải cho rằng, chính việc không thống nhất công thức tính trượt giá đã gây thiếu công bằng cho các nhà thầu thi công. Giá dự toán phê duyệt được tính toán trên cơ sở định mức, theo giá cố định tại thời điểm phê duyệt dự án và không có dự phòng cho việc biến động giá. Điều này đã dẫn đến hàng loạt nhà thầu bị thua lỗ nặng nề khi giá thị trường tăng mạnh, nhất là trong giai đoạn năm 2004-2008. Nhiều doanh nghiệp vừa bỏ thầu đã bị thua lỗ dẫn đến tình trạng không có khả năng thực hiện hợp đồng.
Cũng theo ông Hoàng, hồ sơ mời thầu quy định, chỉ những hạng mục chính có giá trị lớn hơn 1%, 2% hoặc 5% giá trị hợp đồng mới được phép tính trượt giá. "Thực tế có rất nhiều hạng mục phụ nhưng có giá trị lớn. Tuy nhiên, theo quy định, nhà thầu không được phép điều chỉnh khi giá nguyên vật liệu biến động", ông Hoàng chia sẻ.
Ông Wang Gui Jun, Phó Tổng Giám đốc tại Hà Nội, Tổng Công ty xây dựng Quốc gia Trung Quốc cho rằng, chỉ số giá xây dựng được tính theo quý là chưa khả thi. Vị này nhấn mạnh, quá trình xây dựng của nhà thầu được bắt đầu từ khi mua nguyên vật liệu đến khi thi công công trình. Thời điểm mua và lúc áp dụng chỉ số giá xây dựng thường có khoảng thời gian chênh lệch tương đối lớn. "Khi ban hành theo quý, chỉ số giá xây dựng đã không phát huy được vai trò bảo vệ lợi ích cho nhà thầu vì mặc định trong quý đó, giá nguyên vật liệu không biến động", ông Wang Gui Jun nói.
Giá cả tăng khiến doanh nghiệp quay như chong chóng. Ông Ngô Thế Vinh, Viện kinh tế xây dựng đưa ra minh họa, giá thép tăng liên tục trong tháng 3 làm nhiều doanh nghiệp lao đao. Trong vòng 40 ngày, giá thép xây dựng 8 lần tăng giá, từ 11 triệu đồng lên tới 16 triệu mỗi tấn. "Cứ 2-3 ngày, giá thép lại tăng 200.000 đồng đến 300.000 đồng mỗi tấn. Giá thép tăng mạnh đã tạo ra những tác động lớn đến thi công xây dựng", ông Vinh cho hay.
Trên thực tế, khi không có chỉ số giá vật liệu xây dựng hằng tháng để so sánh đối chiếu, cả khách hàng và chủ đầu tư cùng khổ. Từ năm 2009 đến nay, hàng loạt chủ đầu tư kinh doanh bất động sản đã đồng loạt tăng giá bán so với hợp đồng ký kết ban đầu. Lý do chủ đầu tư đưa ra là nguyên vật liệu biến động, còn khách hàng "ấm ức" vì không có chỉ số giá vật liệu theo từng tháng để làm căn cứ đối chiếu, so sánh với chi phí doanh nghiệp đưa ra. Điều này dẫn đến hàng loạt các vụ khiếu nại trong lĩnh vực bất động sản trong suốt năm 2009 đến nay.
Để chỉ số xây dựng phát huy tác dụng, ông Trần Đăng Luyến, Cục quản lý xây dựng công trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, chỉ số giá xây dựng cần công bố hằng tháng, trong đó có việc điều chỉnh bổ sung giá hợp đồng. Thêm vào đó, theo ông Luyến, cần có hướng dẫn cụ thể việc áp dụng chỉ số giá xây dựng cho 63 tỉnh thành thay vì 12 vùng đại diện như hiện
Từ cuối năm 2007, Bộ Xây dựng đã thực hiện công bố phương pháp xác định chỉ số giá xây dựng cho 5 loại công trình: Công trình xây dựng dân dụng, công trình công nghiệp, công trình giao thông, công trình thủy lợi, công trình hạ tầng kỹ thuật. Hiện chỉ số giá xây dựng được công bố hàng quý để tạo ra chuỗi số liệu về giá cả thị trường cho các doanh nghiệp so sánh đối chiếu.
Theo VNE