Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thành (PCI) năm 2012: Sụt giảm do doanh nghiệp bi quan về triển vọng kinh doanh

Cập nhật: 15-03-2013 | 00:00:00

  Phó Thống đốc bang Vladimir Liên bang Nga (thứ 3 từ trái sang) cùng đoàn DN Việt kiều tham quan, tìm hiểu môi trường đầu tư tại KCN VSIP 1

 Bất ngờ Đồng Tháp

Với tổng số đạt 63,79 điểm, Đồng Tháp đã vươn lên giành vị trí thứ nhất từ Lào Cai (năm 2011), được cho là một bất ngờ thú vị trong bảng xếp hạng PCI năm 2012. An Giang cũng trỗi dậy ở vị trí thứ 2 và Lào Cai, từ ngôi quán quân trong năm 2011 đã tụt xuống vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng năm 2012. Điện Biên là tỉnh có chỉ số PCI ở vị trí đội sổ. Một bất ngờ khác là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang thể hiện những nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh đáng nể. Ngoài Đồng Tháp, An Giang chia nhau vị trí nhất, nhì; khu vực này còn 9/17 tỉnh, thành xếp ở danh sách nhóm tốt (từ vị trí số 1 - 17) trong bảng xếp hạng PCI. TP.HCM sau nhiều năm ì ạch ở nhóm giữa, đã vươn lên vị trí thứ 13 với tổng số đạt 61,19 điểm. Hà Nội chỉ đạt 53,40 điểm, tụt 15 hạng, xếp ở vị trí thứ 51. Bình Định và Vĩnh Long là 2 địa phương tụt hạng trong năm 2011 nhưng đã lấy lại phong độ trong năm 2012. Mặt khác, điểm số của các tỉnh luôn dẫn đầu trong nhiều năm trước như Đà Nẵng, Bình Dương lại sụt giảm đáng kể. Với 61,71 điểm, Đà Nẵng từ vị trí thứ 5 năm 2011, tụt xuống thứ 12 năm 2012; Bình Dương đạt 59,64 điểm, lùi xuống ở vị trí thứ 19 trong bảng xếp hạng…

“Vươn lên giành vị trí số 1 đã khó, nhưng để giữ được vị trí này còn khó hơn. Thực tế, Bình Dương sau nhiều năm ở vị trí dẫn đầu đã phải nhường lại cho Đà Nẵng. Địa phương này sau 3 năm nằm ở vị trí số 1 cũng đã để Lào Cai vươn lên. Năm 2012, Lào Cai cũng đã phải nhường lại vị trí này cho Đồng Tháp. Điều đó cho thấy, chính quyền các địa phương đều đang rất nỗ lực để cải thiện môi trường kinh doanh và sự vươn lên của địa phương nào đó là bởi họ đã làm tốt hơn”.

(Chuyên gia kinh tế cao cấp     PHẠM CHI LAN)

Báo cáo PCI năm 2012 cũng đưa ra cảnh báo rất đáng lo ngại là chất lượng điều hành của chính quyền các địa phương qua phản ánh từ cộng đồng DN đều có dấu hiệu giảm sút rõ rệt. Điều này được thể hiện qua điểm số của tỉnh trung vị (tỉnh nằm ở vị trí giữa của bảng xếp hạng) ở mức thấp nhất từ trước đến nay, từ 59,15 điểm xuống còn 56,2 điểm; đồng thời không một địa phương nào đạt đến mức 65 điểm, ngưỡng dành cho nhóm có chất lượng điều hành xuất sắc. Hiện tượng này lần đầu tiên xảy ra kể từ khi bắt đầu khảo sát điều tra, xếp hạng PCI. Tuy nhiên, theo các chuyên gia từ nhóm điều tra PCI, sự sụt giảm chung này một phần xuất phát từ tâm lý bi quan về triển vọng kinh doanh. “Do đang phải chật vật để tồn tại nên nhiều DN dễ cho rằng nguyên nhân của tình trạng khó khăn này xuất phát từ chính sách của Nhà nước…”, báo cáo cho biết.

Vì sao PCI Bình Dương giảm?

Theo kết quả khảo sát được công bố, tổng điểm PCI của Bình Dương đạt 59,64 điểm giảm 4,35 điểm so với năm 2011 (63,99 điểm) và đứng ở vị trí thứ 19 trong bảng xếp hạng. Trong đó, điểm cho các chỉ số thành phần lần lượt: Chi phí gia nhập thị trường (8,01), tiếp cận đất đai (6,21), tính minh bạch (6,66), chi phí thời gian (5,42), chi phí không chính thức (7,83), tính năng động của lãnh đạo tỉnh (5,16), dịch vụ hỗ trợ DN (3,19), đào tạo lao động (5,48), thiết chế pháp lý (3,07). Nếu xét riêng về vị trí của Bình Dương trong từng chỉ số, chỉ có 3 chỉ số bao gồm chi phí không chính thức xếp thứ 3; chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin đứng thứ 5; chỉ số đào tạo lao động xếp thứ 9 là nằm trong nhóm 10; còn lại những chỉ số khác đều giảm. Điều đó lý giải cho sự sụt giảm về tổng điểm số PCI. Tuy nhiên, báo cáo cho biết, sự sụt giảm này là xu hướng chung của tất cả các địa phương, một phần là do tâm lý bi quan về triển vọng kinh doanh được các DN phản ánh thông qua các phiếu khảo sát. Trên thực tế, sau khi Bình Dương tụt xuống vị trí thứ 10 trong bảng xếp hạng PCI năm 2011, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành liên quan tiếp tục rà soát lại các chỉ số thành phần của PCI, qua đó điều chỉnh, xây dựng lộ trình để khắc phục những hạn chế bộc lộ thời gian qua khiến cho DN chưa thật sự hài lòng về môi trường kinh doanh tại địa phương.

Trao đổi với chúng tôi, một số chuyên gia cho rằng Bình Dương từ lâu đã nổi tiếng trong và ngoài nước về sức hấp dẫn của môi trường đầu tư. Trước đó, Bình Dương luôn ở vị trí số 1 và số 2, thuộc nhóm rất tốt trong 3 năm 2007, 2008, 2009 với số điểm tương ứng qua các năm là 77,20, 71,76 và 74,01; năm 2010 với 65,72 điểm, Bình Dương tuy xếp thứ 5 nhưng vẫn nằm ở ngưỡng xuất sắc. Vì vậy, điểm số PCI không hẳn cho thấy môi trường kinh doanh của địa phương giảm sút đi mà phản ánh yêu cầu cao hơn từ phía các DN, tức đã tốt rồi thì phải tốt hơn. Thông qua việc “chấm điểm khắt khe hơn”, DN muốn tạo ra những áp lực nhất định đối với chính quyền trong việc đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh. Thêm vào đó, việc Bình Dương sau thời gian kêu gọi đầu tư trên bề rộng, nay đã chuyển sang chiều sâu, lựa chọn các dự án đầu tư có chất lượng hơn và để phát triển bền vững, chính quyền cũng siết chặt quản lý Nhà nước trên lĩnh vực môi trường… cũng là một nguyên nhân khiến DN chấm điểm PCI thấp đi.

 THÀNH SƠN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=485
Quay lên trên