Tụt xuống vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh, thành năm 2010 nhưng Bình Dương vẫn đứng đầu trong danh sách PCI khu vực miền Đông Nam bộ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, PCI năm 2010 không phải là câu chuyện Bình Dương cần phải tranh đua với các tỉnh, thành khác về thứ hạng mà cần phải xem kết quả PCI như một quá trình nhìn lại bản thân để nỗ lực vượt lên chính mình trong thời gian tới...
Thách thức mới
Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, tiến sĩ Edmund Malesky, Trưởng nhóm nghiên cứu PCI cho rằng, Bình Dương là một trường hợp cần phải xem xét kỹ về PCI trong năm nay: “Tôi rất có ấn tượng và cảm tình với Bình Dương. Tôi cũng muốn đầu tư sản xuất kinh doanh và thậm chí sinh sống ở Bình Dương. Bình Dương đã làm rất tốt trong cải thiện môi trường đầu tư những năm trước đây, tuy nhiên hiện nay thì lại phải đối mặt với nhiều vấn đề và thách thức mới...”. Theo tiến sĩ Edmund Malesky, đô thị hóa, công nghiệp hóa mạnh mẽ sẽ dẫn tới khả năng tiếp cận đất đai khó khăn hơn. Mặt khác, một tỉnh mà luôn dẫn đầu PCI trong những năm trước, đã thành công rồi duy trì, giữ vững được thứ hạng, khó khăn thách thức cũng sẽ nhiều hơn so với các tỉnh ở top trung bình và top giữa.
Sản xuất thiết bị y tế của doanh nghiệp FDI tại Bình Dương
Ông Trần Hữu Huỳnh, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) nhìn nhận: “... Đối với Bình Dương, chúng ta vẫn phải biểu dương vì đây là một tỉnh dẫn đầu cả nước về PCI liên tục trong những năm trước đây trong một điều kiện cũng không có nhiều thuận lợi lắm, nhất là những chính sách hỗ trợ từ Trung ương chưa hoàn thiện như bây giờ. Mặc dù năm nay Bình Dương rơi khỏi top đầu, nhưng vẫn nằm trong nhóm các tỉnh có PCI tốt và vẫn dẫn đầu ở khu vực Đông Nam bộ. Cũng phải nhìn nhận ở khía cạnh xã hội, một tỉnh có lực lượng lao động nhập cư đông như Bình Dương, việc duy trì được vị trí trên cũng là một sự nỗ lực, gồng mình rất lớn của chính quyền...”.
Nhìn lại để vượt lên
Xem xét 9 chỉ số thành phần PCI của Bình Dương, các chỉ số như: Gia nhập thị trường giảm đi (7,59 điểm), dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (3,88 điểm), tiếp cận đất đai (7,30 điểm), tính minh bạch (5,84 điểm), tính năng động (6,68 điểm)... Tiến sĩ Edmund Malesky, Trưởng nhóm nghiên cứu PCI cho rằng, những chỉ số thành phần trên giảm điểm đã làm tổng điểm PCI của Bình Dương giảm đi. Ngoài ra, qua khảo sát, các doanh nghiệp đánh giá về sự sẵn sàng ứng phó của chính quyền trong các tình huống cũng chưa tốt. Trong khi đó, đây lại là những điểm rất mạnh của Bình Dương trong những năm trước khi xem xét về chỉ số PCI. “... Để Bình Dương vươn lên giành lại vị trí của mình trong thời gian tới về PCI, rất cần thiết phải cải thiện những điểm số thành phần này...”, ông Edmund Malesky khuyến nghị.
Theo ông Trần Hữu Huỳnh, những vấn đề của Bình Dương cần được phân tích để từ đó rút kinh nghiệm không chỉ đối với Bình Dương mà còn cho các tỉnh khác. Điều này bổ ích hơn là đánh giá việc Bình Dương rơi khỏi top tốt nhất. Do đó, những vấn đề như môi trường, ô nhiễm, đất đai, nguồn lao động... là những thách thức, đòi hỏi Bình Dương cần nỗ lực hơn. Đây cũng là một thông điệp cho các địa phương có xu hướng thu hút đầu tư, công nghiệp hóa theo kiểu của Bình Dương cần có những chọn lựa các nhà đầu tư. Thực tế, qua nghiên cứu FDI, những thế hệ nhà đầu tư trước đây khi đến đầu tư, được nhìn nhận sự đầu tư đó nhằm mục đích phát triển để xóa đói giảm nghèo. Nhưng hiện nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình trên thế giới, do vậy cần phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng về môi trường đầu tư để sẵn sàng thu hút thế hệ đầu tư mới. Mặt khác, trong nghiên cứu về FDI, cho thấy quốc gia tiếp nhận đầu tư chịu một thất thoát lớn về nguồn lực như chi phí nhân công thấp, thiệt hại về môi trường, ưu đãi về đất đai, điện năng... do đó cần phải tính toán kỹ lưỡng. Cũng theo ông Huỳnh, PCI tụt hạng hay thăng hạng là thứ yếu, quan trọng là phải xem xét các chỉ số thành phần có được cải thiện, cải thiện như thế nào và cần thiết phải có những biện pháp gì để tiếp tục cải thiện các chỉ số thành phần đó. Cần thiết phải dẫn qui chiếu trách nhiệm của các sở, ban, ngành trực tiếp liên quan đến các chỉ số thành phần. Theo đó, khảo sát đưa ra kết quả PCI có một ý nghĩa vô cùng lớn lao, đó cũng chính là quá trình “xét nghiệm máu”, qua đó biết được tình trạng trong máu của mình như thế nào để có cách mà kê đơn, bốc thuốc.
“... Đối với Bình Dương, cần phải xem xét kết quả PCI năm nay như là một bài học kinh nghiệm nhìn lại bản thân và các chỉ số để thấy được sự cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp về mình thế nào, từ đó hiểu nguyên nhân vì sao. Doanh nghiệp họ hài lòng cái gì thì tiếp tục phát huy và chưa hài lòng cái gì thì phải tìm biện pháp để thỏa mãn cho doanh nghiệp. Đây mới là vấn đề mấu chốt của PCI chứ không phải là câu chuyện thăng hạng hay tụt hạng và cần được xem như một quá trình vượt lên chính mình, không nên xem PCI là một cuộc đua tranh với các địa phương khác.
THÀNH SƠN
Tiến sĩ MAI HỮU TÍN: “Môi trường đầu tư của Bình Dương vẫn nằm trong nhóm tốt nhất cả nước!...”
Đây là quan điểm của tiến sĩ Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Bình Dương trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Bình Dương sau khi Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ công bố kết quả khảo sát Chỉ số cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh, thành năm 2010.
- Thưa ông, VCCI vừa công bố PCI cấp tỉnh, thành. Bình Dương từ vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng năm 2009 đã tụt xuống vị trí thứ 5. Ông bình luận gì về sự sa sút của Bình Dương?
Điều này có nghĩa là có thêm nhiều địa phương khác đã cải thiện rất tốt khả năng thu hút đầu tư và thủ tục hành chính ở địa phương của họ.
- Nhiều chỉ số thành phần PCI của Bình Dương sụt giảm, ông có thể phân tích nguyên nhân vì sao dẫn đến tình trạng này?
Cần xác định rõ rằng chỉ số này được xác định qua việc điều tra ý kiến của các doanh nghiệp. Ví như về tiếp cận đất đai, giá đất ở Bình Dương cao hơn nhiều địa phương khác là một thực tế. Việc Bình Dương hạn chế đầu tư sản xuất ngoài khu công nghiệp ở phía nam tỉnh cũng dẫn đến đánh giá không đúng của một số nhà đầu tư nhưng cá nhân tôi thì cho rằng chủ trương này là đúng để bảo vệ môi trường. Chi phí không chính thức cao đương nhiên sẽ làm nhà đầu tư không có thiện cảm với lãnh đạo chính quyền và đây đúng là một vấn đề lớn cần được khắc phục.
- Việc Bình Dương suốt nhiều năm liền đứng ở vị trí dẫn đầu PCI, nay đứng ở vị trí thứ 5, phải chăng là có sự chủ quan nào chăng?
Tôi không nghĩ là có chủ quan. Nhưng rõ ràng sự tụt hạng này cần được phân tích nghiêm túc.
- Sau kết quả công bố PCI từ VCCI, ông có đánh giá thế nào về môi trường kinh doanh tại Bình Dương?
Tôi tin tưởng và cho rằng Bình Dương vẫn là một trong những địa phương tốt nhất cả nước để đầu tư và đến làm ăn sinh sống.
- Theo ông, Bình Dương cần cải thiện những vấn đề gì để giành lại vị trí top đầu trong PCI?
Kết quả điều tra đã chỉ ra rất rõ những lĩnh vực cần cải tiến.
- Xin cám ơn ông!
ĐÀM THANH (thực hiện)