Sáng 6-5, tại Bình Dương, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP) đã tổ chức hội thảo trao đổi kết quả khảo sát PAPI năm 2014 các tỉnh Đông Nam bộ. Theo các nhà nghiên cứu, dữ liệu chỉ số PAPI có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giám sát thực thi chính sách và có giá trị sử dụng cao.
Dữ liệu quan trọng
Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (gọi tắt là PAPI) ngày càng được ghi nhận là công cụ phản ánh tiếng nói chung của người dân về mức độ hiệu quả của bộ máy Nhà nước và chất lượng cung ứng dịch vụ của các cấp chính quyền. Chỉ số PAPI đã và đang tạo động lực để lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành nâng cao hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, cung ứng dịch vụ công với mục tiêu phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Theo kết quả báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng thuộc Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam, năm 2013, tỉnh Bình Dương đứng hạng 12 về chỉ số PAPI và năm 2014, tỉnh Bình Dương đã vươn lên đứng hạng 5. Bình Dương được đánh giá là 1 trong 10 địa phương duy trì được điểm số cao trong 3 năm liền (2012-2014). Đặc biệt, trong 6 nội dung quan trọng tương tác làm nên chỉ số PAPI, điểm số kiểm soát tham nhũng trong lĩnh vực công của Bình Dương đã nâng lên đáng kể qua từng năm. Cụ thể, năm 2012 là 6,19 điểm; năm 2013 là 6,85 điểm và năm 2014 tăng lên 7,23 điểm. |
PAPI là dự án nghiên cứu, khảo sát xã hội học lớn nhất trên quy mô toàn quốc về quản trị và hành chính công ở Việt Nam, được triển khai thực hiện thí điểm từ năm 2009 đến nay. Tính từ năm đầu triển khai thí điểm đến năm 2014, có gần 61.000 lượt người trên cả nước tham gia trả lời phỏng vấn trực tiếp với PAPI để chia sẻ trải nghiệm và đánh giá của mình về hiệu quả quản trị và hành chính công của các cấp chính quyền từ cấp tỉnh, thành phố đến cấp thôn, tổ dân phố. Ngoài việc đánh giá mức độ hài lòng của nhân dân khi tương tác với các cấp chính quyền và sử dụng dịch vụ công, PAPI còn theo dõi và giám sát quá trình thay đổi về hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền qua các năm. Bộ chỉ số PAPI được đánh giá dựa trên kết quả thăm dò ý kiến của người dân cả nước trên 6 chỉ số nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; tính công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong những lĩnh vực công; thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công.
Từ năm 2011 đến nay, chỉ số PAPI được thực hiện thường niên và trở thành công cụ kiểm toán xã hội lớn nhất ở Việt Nam. Mặc dù mới được triển khai trên toàn quốc trong một thời gian ngắn, song chỉ số PAPI đang từng bước trở thành một công cụ giám sát thực thi chính sách đáng tin cậy và có giá trị sử dụng. Tiến sĩ Phạm Thị Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam cho biết, dữ liệu PAPI ngày càng được sử dụng rộng rãi, đem lại nhiều ý nghĩa chính sách và thực tiễn đáng ghi nhận. Từ các chỉ số đo lường 6 lĩnh vực nội dung của PAPI, chính quyền địa phương có thể theo dõi hiệu quả công tác quản lý, điều hành và cung ứng dịch vụ công của mình; rà soát lại những kết quả và tồn tại của bộ máy quản lý nhà nước ở địa phương, đồng thời tìm kiếm các giải pháp thực tế nhằm giải quyết những vấn đề tồn tại. Cho đến nay, đã có hơn 30 tỉnh, thành phố trên cả nước đã quan tâm phân tích hoặc chỉ đạo các sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch hành động nhằm cải thiện chỉ số PAPI.
Những năm qua, chỉ số PAPI đã được các cơ quan, ban, ngành, tổ chức trong và ngoài nước sử dụng ngày càng nhiều. Nhiều cơ quan nghiên cứu, các đối tác phát triển và các trường đại học trong nước và quốc tế cũng sử dụng dữ liệu PAPI trong nghiên cứu chính sách và học thuật. Tiến sĩ Hà Việt Hùng, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, chỉ số PAPI là bộ dữ liệu rất có giá trị, mang tính khoa học, đã được học viện ứng dụng vào hoạt động nghiên cứu thực tiễn cũng như phục vụ công tác giảng dạy. Sự ảnh hưởng của PAPI còn được thể hiện qua việc Ngân hàng Thế giới liên tục sử dụng dữ liệu PAPI trong phân tích các vấn đề quản trị và minh bạch tài khóa ở Việt Nam trong nhiều năm qua. Liên minh châu Âu và Cơ quan hợp tác phát triển Vương quốc Bỉ cũng đã tham khảo số liệu PAPI trong quá trình xây dựng các chương trình hỗ trợ Việt Nam về công tác quản trị…
Cần được quan tâm cải thiện
Theo các nhà nghiên cứu chỉ số PAPI, dữ liệu PAPI có sự ảnh hưởng rất lớn, là thực chứng trong việc xây dựng và điều chỉnh các chính sách. Tuy nhiên, cũng không nên xem các chỉ báo PAPI là mục tiêu hướng tới, mà là thước đo xu thế biến đổi qua thời gian. Các chỉ báo PAPI là những gương mặt phản chiếu hiệu quả công tác thực thi chính sách, pháp luật Nhà nước ở địa phương, với cung ứng dịch vụ công và quản trị có sự tham gia của người dân. Qua những hình ảnh phản chiếu đó, các cấp chính quyền soi xét lại và tìm các giải pháp khả thi để cải thiện những ngành, lĩnh vực hay hoạt động chưa hiệu quả. Mục tiêu duy nhất của nghiên cứu PAPI là cung cấp dữ liệu thực chứng để các cấp chính quyền theo dõi và điều chỉnh phương thức điều hành, quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ sao cho khách hàng là người dân hài lòng hơn. Do đó, các nhà nghiên cứu PAPI cho rằng, nếu chỉ tìm cách “lách” để tăng điểm số mà không thực sự đổi mới cách thức thực hiện các nhiệm vụ thực thi chính sách đã được phân cấp, phân quyền, thì chính quyền các cấp khó có thể phát huy hiệu quả hay duy trì mức độ hài lòng của người dân đối với công tác hàng ngày của bộ máy công quyền tại địa phương. Và trên thực tế, rất khó có thể tạo được hình ảnh tốt hơn nếu chỉ thay đổi tấm gương soi.
Phó giáo sư - Tiến sĩ Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc CECODES cho biết, chỉ số PAPI năm 2014 tiếp tục được triển khai trong bối cảnh Việt Nam có nhiều thay đổi chính sách lớn. Mặc dù chỉ số PAPI được đánh giá ổn định, nhưng dữ liệu tổng hợp cũng cho thấy những xu thế biến đổi ở cấp quốc gia đáng lưu tâm. Ông nói rằng, qua kết quả phân tích các chỉ tiêu thành phần ở cấp quốc gia cho thấy một số vấn đề quản trị và hành chính công cần được quan tâm cải thiện trong năm 2015, đó là: Chất lượng huy động người dân tham gia vào đời sống chính trị và công cuộc phát triển ở địa phương có xu hướng giảm tương đối mạnh, trong đó chỉ số nội dung thành phần “cơ hội tham gia” có mức giảm về điểm lớn nhất; Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các biện pháp ngăn ngừa tham nhũng. Mặc dù đã có những chỉ đạo từ cấp cao nhất, song kết quả khảo sát năm 2014 cho thấy những tập quán tham nhũng dù nhỏ vẫn tồn tại dai dẳng; năm 2014, mặc dù tỷ lệ hộ gia đình cho biết bị thu hồi đất có xu hướng giảm so với trước, song nhiều hộ bị thu hồi đất không hài lòng về việc áp giá đền bù đất của chính quyền địa phương không tương xứng với gia thị trường.
Chỉ số PAPI là sản phẩm của hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam, CECODES và UNDP tại Việt Nam từ năm 2009 đến nay, cùng với sự hỗ trợ của các đối tác trong suốt quá trình triển khai. Ông Huỳnh Văn Nhị, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, tỉnh Bình Dương luôn quan tâm duy trì chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam. Ông cũng mong muốn, các tổ chức tham gia nghiên cứu sẽ tiếp tục thực hiện sáng kiến quan trọng này nhằm hỗ trợ địa phương nói riêng và cả nước nói chung trong quá trình xây dựng nền quản trị tốt, cải cách nền hành chính vì mục tiêu phục vụ nhân dân, bảo đảm chất lượng dịch vụ công cho tất cả người dân. Bằng những nỗ lực đó, chúng ta có thể cải thiện hình ảnh của nền quản trị và hành chính công.
HỒNG THUẬN