Trước những khó khăn do khan hiếm đơn hàng sản xuất, nhiều doanh nghiệp (DN) buộc phải giảm giờ làm khiến lao động bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập và đời sống. Để chia sẻ khó khăn với DN, tổ chức Công đoàn chủ động phối hợp cùng DN triển khai nhiều hoạt động chăm lo thiết thực cho NLĐ.
Duy trì các chế độ đãi ngộ
Tại Công ty TNHH Zheng Hsing Industrial (Khu công nghiệp (KCN) VSIP I), trước những khó khăn của NLĐ, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở (CĐCS) công ty đã chủ động phối hợp cùng Ban giám đốc triển khai nhiều hoạt động chăm lo thiết thực cho NLĐ để cùng hỗ trợ DN ổn định sản xuất. Bà Huỳnh Trầm Hương, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Zheng Hsing Industrial cho biết, CĐCS tích cực chủ động phối hợp cùng Ban giám đốc xây dựng các phương án tổ chức sản xuất hợp lý nhằm duy trì việc làm thường xuyên và các chế độ phúc lợi cho hơn 1.500 công nhân lao động.
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh trao tặng hỗ trợ cho công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bị bệnh hiểm nghèo từ Quỹ hỗ trợ công nhân lao động khó khăn
Cụ thể, Ban Chấp hành CĐCS chủ động đề xuất công ty thay vì tổ chức cho NLĐ tham quan du lịch trong năm thì chuyển thành hỗ trợ bằng tiền mặt cho NLĐ với mức 1 triệu đồng/người; tăng thêm phụ cấp 330.000 đồng vào lương cho toàn bộ NLĐ; khích lệ NLĐ học tiếng Hoa để nâng cao hiệu quả công việc, tăng thêm thu nhập với các mức hỗ trợ thêm nếu đạt trình độ sơ cấp là 900.000 đồng, trung cấp là 1,5 triệu đồng và cao cấp là 3 triệu đồng... Đồng thời, Ban Chấp hành CĐCS vận động Ban giám đốc duy trì các chế độ phúc lợi khác cho NLĐ như phụ cấp chuyên cần 300.000 đồng/người/tháng, hỗ trợ tiền nhà trọ 200.000 đồng/ người/ tháng; hỗ trợ tiền xăng xe 250.000 đồng/người/tháng; hỗ trợ tiền nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi trở xuống; bồi dưỡng nặng nhọc, độc hại 100.000 - 300.000 đồng/người/ tháng, tùy vào vị trí công việc...
Cũng chịu ảnh hưởng khó khăn trong sản xuất như nhiều DN khác, Công ty TNHH Tombow Việt Nam (KCN VSIP I) đã chủ động nỗ lực vượt khó, ổn định sản xuất và duy trì các chế độ phúc lợi cho NLĐ như trợ cấp nhà ở 200.000 - 300.000 đồng/người/tháng; trợ cấp nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi 50.000 đồng/ tháng/1 cháu; trợ cấp 10 lít xăng/ người/tháng... Tại Công ty Cổ phần Sao Việt (KCN Đồng An I), để công nhân lao động yên tâm làm việc và ổn định cuộc sống, Ban giám đốc công ty đã hỗ trợ về mặt bằng, điện, nước để CĐCS mở siêu thị Công đoàn phục vụ nhu cầu mua sắm của NLĐ. Siêu thị cung cấp hàng trăm mặt hàng thiết yếu với giá giảm từ 10% - 30% so với giá cả mặt hàng cùng loại trên thị trường. NLĐ có hoàn cảnh khó khăn có thể liên hệ CĐCS mượn trước phiếu mua hàng có trị giá từ 100.000 - 200.000 đồng để mua sắm, sau đó sẽ thanh toán vào kỳ lương tháng.
Sẻ chia khó khăn
Những khó khăn do giảm đơn hàng, không có đơn hàng khiến nhiều DN phải thu hẹp sản xuất, giảm giờ làm, cắt giảm lao động. Điều này đã làm ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập và đời sống của NLĐ, nhất là những NLĐ ở nhóm ngành gỗ, may mặc, da giày. Trước khó khăn chung, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã ban hành chính sách phúc lợi hỗ trợ đoàn viên công đoàn, NLĐ bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động. Cụ thể, thời gian được tính hỗ trợ từ ngày 1-10-2022 đến hết ngày 31-3- 2023 với mức hỗ trợ từ 700.000 đồng - 3 triệu đồng/người, tùy theo trường hợp NLĐ là đoàn viên và không là đoàn viên. Theo đó, LĐLĐ tỉnh đã ban hành Công văn số 60/LĐLĐ ngày 24-2-2023 về khẩn trương triển khai, chỉ đạo các Công đoàn cấp trên cơ sở triển khai đến các CĐCS hướng dẫn DN rà soát những trường hợp NLĐ đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ tiến hành làm thủ tục hồ sơ gửi về Công đoàn cấp trên.
LĐLĐ TP.Tân Uyên là một trong những Công đoàn cấp trên cơ sở đã khẩn trương triển khai chính sách này và là đơn vị có tiến độ lập hồ sơ nhanh nhất tỉnh. Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 36 DN có CĐCS đã lập hồ sơ gửi về LĐLĐ thành phố đề nghị hỗ trợ với tổng số 8.342 trường hợp. Trong đó, có 5.701 trường hợp công nhân bị tạm hoãn hợp đồng lao động và nghỉ việc không lương, số còn lại thuộc diện bị giảm thời gian làm việc. Bà Lưu Thị Tuyết Trinh, Chủ tịch LĐLĐ TP.Tân Uyên cho biết, Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố đã thẩm định hồ sơ, lập tờ trình chuyển và kèm hồ sơ gửi đến LĐLĐ tỉnh để xem xét, quyết định phê duyệt danh sách và số tiền chi cho từng hồ sơ. Ngay sau khi được duyệt, LĐLĐ thành phố sẽ tiến hành chi hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ từ nguồn tài chính Công đoàn theo quy định trong thời gian sớm nhất có thể.
Còn theo lãnh đạo Công đoàn các KCN TX.Bến Cát, đơn vị này cũng đã tiếp nhận 714 trường hợp của 6 DN có CĐCS. Trong đó, có 541 trường hợp công nhân lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, số còn lại thuộc trường hợp giảm giờ làm việc và ngừng việc. Công đoàn các KCN TX.Bến Cát cũng đã lập hồ sơ gửi LĐLĐ tỉnh để xem xét, quyết định phê duyệt danh sách và số tiền chi cho từng trường hợp cụ thể... Theo lãnh đạo LĐLĐ tỉnh, tính đến ngày 20-4, đơn vị này đã tiếp nhận hồ sơ từ các Công đoàn cấp trên cơ sở gửi về với tổng số trên 85 DN với hơn 20.000 trường hợp đề nghị hưởng chính sách. Hiện LĐLĐ tỉnh đang khẩn trương thẩm định, phê duyệt chi hỗ trợ với số tiền dự kiến khoảng hơn 30 tỷ đồng.
Trước khó khăn chung, Tổng Liên LĐLĐ Việt Nam đã ban hành chính sách phúc lợi hỗ trợ đoàn viên công đoàn, NLĐ bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động. Cụ thể, thời gian được tính hỗ trợ từ ngày 1-10-2022 đến hết ngày 31-3-2023 với mức hỗ trợ từ 700.000 đồng - 3 triệu đồng/người, tùy theo trường hợp NLĐ là đoàn viên và không là đoàn viên. |
ĐỖ TRỌNG