Chiếc áo bà ba của người nữ chiến sĩ quân y

Cập nhật: 01-11-2012 | 00:00:00

Nhìn kỷ vật thời chiến tranh do bà gìn giữ vẫn còn nguyên vẹn mặc dù màu áo đã sờn theo năm tháng. Hơn 50 năm, chiếc áo được may bằng chất liệu vải, đường chỉ màu trắng, tay dài 61,5cm, kích 47cm, trông dáng nhỏ nhắn, xinh xắn như ôm gọn thân hình mảnh mai, xinh đẹp của người nữ chiến sĩ thời son trẻ. Những ký ức phút chốc lại chợt ùa về trong người phụ nữ dịu hiền mái tóc đã điểm nhiều sợi bạc.

Bà Hồ Thị Tuyết Mai lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, chứng kiến những cảnh áp bức, bóc lột của đế quốc Mỹ và bọn tay sai đối với dân tộc, xóm làng mình nên từ khi còn rất trẻ (mới 16 tuổi) bà đã tình nguyện thoát ly gia đình, đi theo cách mạng vào năm 1962.

Đây cũng là khoảng thời gian Mỹ - ngụy liên tiếp mở nhiều cuộc hành quân với mục đích tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến “bình định” nông thôn, gom khoanh dân, lập ấp chiến lược và tiêu diệt lực lượng vũ trang cách mạng. Để thực hiện chiến lược đó, từ cuối tháng 2-1962, Mỹ - Diệm huy động 8.000 quân, được máy bay, thiết giáp yểm trợ, mở cuộc hành quân mang tên chiến dịch “Mặt trời mọc”, do tên thiếu tướng ngụy Văn Thành Cao chỉ huy, đánh vào địa bàn huyện Bến Cát, sau đó lan rộng ra các tỉnh miền Đông, nhằm đánh phá các căn cứ cách mạng, truy tìm tiêu diệt lực lượng vũ trang ta và hỗ trợ kế hoạch “bình định” gom dân lập ấp chiến lược.

Trong bối cảnh ấy, cùng với lớp lớp thanh niên tình nguyện thoát ly gia đình tham gia kháng chiến, bà Mai với chiếc áo bà ba đen, khăn rằn quấn cổ đã hăng hái gia nhập đoàn quân du kích hoạt động tại địa phương. Trong cuộc chiến đấu cam go, quyết liệt với kẻ thù, những mất mác hy sinh, thương tích của chiến sĩ là không thể tránh khỏi, việc chăm sóc cho thương binh rất cần người phục vụ. Vì có năng khiếu về ngành y, nên bà được cử đi học chuyên ngành và về làm quân y sĩ đảm nhận công tác chăm sóc các chiến sĩ bị thương. Chiếc áo bà ba đen đã theo bà suốt những chặng đường oanh liệt thấm đẫm giọt mồ hôi hòa lẫn trong máu và nước mắt, cùng với biết bao chiến sĩ nung nấu một ý chí quyết tâm đánh tan kẻ thù, giải phóng nước nhà, thống nhất Tổ quốc. Tấm lòng tận tụy, cống hiến và hy sinh thầm lặng của những người nữ chiến sĩ quân y, trong đó có cả quãng đời tuổi trẻ của bà đã góp phần cho các chiến thắng vẻ vang được nở hoa trên các chiến trường máu lửa cho đến khi đất nước hoàn toàn thống nhất, cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên nền trời tự do của cả nước Việt Nam.

Năm 1979, với tấm lòng của người y sĩ, bà đã đem hết khả năng của mình để giúp đỡ cho bà con xã nhà trong hoàn cảnh khó khăn mà gặp cảnh ốm đau bệnh tật. Nghĩa cử ấy vẫn là sự bao dung, chan chứa nghĩa tình với cuộc đời của người phụ nữ trung hậu, đảm đang mà hết sức dịu hiền, nhân hậu trong cuộc sống đời thường. Năm 2000, với lời đề nghị của Bảo tàng tỉnh Bình Dương, bà trao gửi lại kỷ vật để Bảo tàng lưu giữ truyền thống cách mạng tự hào cho lớp lớp con cháu tiếp bước quá khứ, xây dựng tương lai.

Dù ngày nay, chiếc áo bà ba đã không còn được bạn trẻ mặc hàng ngày, nhưng một thời chiếc áo ấy là niềm kiêu hãnh, tự hào, gắn liền với hình ảnh của người phụ nữ Nam bộ đôn hậu, thuần lương, kiên trung, mạnh mẽ trong hai cuộc kháng chiến giữ nước. Chiếc áo bà ba đen, kỷ vật của bà còn giữ lại được, gợi cho tôi nhớ đến những chiếc khăn rằn, nón lá, áo bà ba theo các mẹ, các chị xông pha trong các cuộc nổi dậy, xuống đường, tảo tần chở che, nuôi giấu cán bộ cách mạng… Chiếc áo bà ba ngày ấy, bây giờ vẫn đẹp, gần gũi trong tâm hồn của những người con đất Việt, dệt nên trang sử đẹp, hào hùng một thời của ông cha.

 NGỌC TRINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=683
Quay lên trên