Chiếc thìa vàng 2016: Đặc sắc ẩm thực Việt

Cập nhật: 13-10-2016 | 08:54:14

Hào hứng và sôi nổi, vòng sơ tuyển cuộc thi Chiếc thìa vàng 2016 ở 3 khu vực miền Nam, miền Trung và miền Bắc đã lần lượt diễn ra vào các tháng 6, 8 và 9 vừa qua với sự tham gia của 104 đội thi đến từ 31 tỉnh, thành. Với các phần thi: chế biến thực đơn 4 món trong 140 phút, thi thuyết trình với Ban giám khảo và thi kiến thức ẩm thực, 312 đầu bếp dự thi đã trổ tài tại những ngày hội ẩm thực đặc sắc, đẳng cấp nhằm giới thiệu sự phong phú của sản vật và gia vị của các địa phương cũng như kỹ thuật, niềm đam mê, sự sáng tạo mãnh liệt với nghề thông qua các món ăn biến tấu linh hoạt, từ Á đến Âu; từ hướng tiếp cận truyền thống đến phong cách ẩm thực hiện đại.

Trao thưởng cho các đội đoạt giải nhất và nhì tại vòng bán kết phía Bắc

Sự lên ngôi của nhiều loại gia vị Việt

Có thể nói hành trình đi đến vòng sơ kết cuộc thi đã mang đậm dấu ấn hương vị của nhiều loại gia vị Việt. Nếu khu vực Tây nguyên vẫn phát huy các loại rau, củ, quả đặc trưng của vùng gió núi đại ngàn như cơm lam, trứng kiến, gà làng biên giới, củ cau rừng, củ chuối rừng, hạt đác, lá vông, lá gừngĐặc biệt là những gia vị độc đáo, lần đầu đóng góp cho những bàn tiệc như hạt muối rừng, đu đủ dây, lá vừng, lá cóc, lá sương rừng… tạo nên sự kết hợp “lạ tai” như gà nướng - lá é, mì Quảng - vịt nướng hạt dổi, canh cá lăng lá bét - đọt mây - cà gai... thì khu vực cao nguyên Bắc bộ - “thủ phủ của gia vị”, ngoài những cái tên quen thuộc vẫn được ưu ái trên các bàn tiệc là hạt dổi, mắc khén, mắc mật, thảo quả, hoa tam thất, củ ba kích… lần này có những phát hiện mới khiến tín đồ gia vị phải xuýt xoa vì sự trù phú của miền trung du với rau dạ hiến, muối mỏ, nhục thung dung, dâm dương hoắc, mộc uy tử…

Bước vào miền trong, mật độ gia vị ít dần nhưng lại là sự dày công tìm kiếm nguyên liệu và gia vị mới của các đầu bếp trẻ như lá bứa, lá giác, lá dứa rừng, hoa trang rừng, rau đay rừng... Đơn giản hơn, họ vận dụng các loại gia vị quen thuộc của xứ Quảng Đà như tiêu rừng Tây Giang, tiêu xanh Huế, tỏi đen Lý Sơn… Trở vào đất phương Nam, các đầu bếp cũng gây tò mò khi kết hợp nhiều vùng miền, chẳng hạn thực đơn của đội Bình Quới 1 (TP.Hồ Chí Minh) đã xuất hiện hàng loạt các loại lá, quả đến từ nhiều vùng của đất nước tạo nên các loại gia vị mới lạ, hấp dẫn, như lá bui, lá gai sưng, lá lìm kìm, lá sâm, trái mây, trái sâm, lá dít…

Những món ăn truyền thống được tôn vinh

Tại vòng sơ kết, sự phong phú của ẩm thực 3 miền với hàng loạt món ăn truyền thống tiếp tục được khoác lên mình diện mạo mới. Ẩm thực miền sông nước Tây Nam bộ giản dị, thân thuộc với sản vật trù phú của đất phương Nam như mắm cá, lục bình, mít tố nữ, sầu riêng, chuối, chôm chôm, chùm ngây, ô môi… Chỉ cần gọi tên các món như cá lăng sông nướng lá chúc; cá lóc nhúng giấm ăn kèm rau cải trời, gà hầm tiêu xanh Phú Quốc, chè bưởi… là sẽ gợi nhớ cho chúng ta miền ẩm thực vùng Bảy Núi - An Giang, “xứ gạo trắng nước trong” Cần Thơ, món ngon xứ du lịch Kiên Giang. Trong khi đó, đặc sản của vùng đất Đông Nam bộ như nét chấm phá độc đáo, mới lạ với thanh long Bình Thuận, thịt dông, tàn ong, cừu Ninh Thuận, chè nếp sen lêkima, gỏi măng cụt Lái Thiêu…

Các đội miền Trung mang tới cuộc thi những món ăn đặc trưng miền duyên hải với nguyên liệu chủ đạo là hải sản tươi ngon, bổ dưỡng, kết hợp khéo léo “của ngon, vật lạ” từng địa phương: Don Sông Trà, cá nhám Nam Ô, bê tơ Cầu Mống, rau thơm Trà Quế, thanh trà Thủy Biều, dừa Cù Lao… làm nổi bật phong cách ẩm thực đặc trưng xứ biển Nha Trang (salad rau càng cua, thịt cua; cá ngừ cuộn lá cà ri kèm cơm gạo lức...) hay nét tinh tế của ẩm thực cung đình Huế (chả hải sản cung đình, bánh bèo ngũ sắc…), nét hiện đại, tươi mới của Đà Nẵng và hương rừng - vị biển Quảng Nam giao thoa (phở sắn Quế Sơn; gỏi rong biển Lý Sơn; cá niên phi lê cuộn trái sả…).

Trong khi đó, khu vực phía Bắc vốn được xem là “cái nôi ẩm thực” cũng tạo nên làn gió mới từ những món truyền thống cho cuộc thi năm nay. Từ miền trung du, đồng bằng có dê núi đá Ninh Bình, lươn, cá rô Tổng Trường… tới đặc sản Tràng An, Kinh Bắc như bánh cốm Hà thành, chả cá Lã Vọng, vịt Vân Đình xốt húng láng, bún thang, chả ốc Tây Hồ... hay những thực đơn giàu cảm xúc với các món dân dã, đầy ký ức với nem bùi, bánh phu thê, cơm độn, rau rừng, ốc nấu chuối đậu… đem tới sự phá cách sáng tạo đầy thú vị.

Xu hướng hiện đại của ẩm thực

Điều gây ấn tượng mạnh hơn cả chính là tinh thần hội nhập, bắt nhịp xu hướng ẩm thực thế giới của các đội thi. Điều này được phát huy ở các đội 5 sao tới từ các thành phố lớn. Các đầu bếp khách sạn 5 sao của Inter Continental Đà Nẵng và Hà Nội thể hiện sự chuyên nghiệp, công phu khi đầu tư thiết bị bếp hiện đại: máy quay ly tâm, máy sous vide, khí nitơ… và áp dụng cách chế biến “ẩm thực phân tử - nấu chậm” vừa giữ được hương vị tự nhiên vừa tốt cho sức khỏe. Được nâng tầm bằng những phương pháp hiện đại, mang hơi hướng quốc tế giúp cho món ăn không chỉ dừng lại ở giá trị ngon, lành mà còn toát lên vẻ đẹp trên một bàn tiệc sang trọng, đẳng cấp, xứng đáng dẫn đầu trong cuộc so tài ẩm thực.

Trong khi đó những phá cách trong phong cách fusion kết hợp, thể hiện sự táo bạo, mạnh dạn nhưng đầy sáng tạo ở các đơn vị nhà hàng và lần đầu dự thi. Giải nhất TP.Hồ Chí Minh là nhà hàng Thiên Hương kết hợp rất khéo léo các gia vị Tây Bắc và miền Tây Nam bộ với nhau như mắc khén, hạt dổi với lá thu hải đường, lá cách, trái quách, lá xá xị. Nhà hàng Dũng Tân - Giải nhất cao nguyên Bắc bộ tạo nên thực đơn hài hòa, có sự đầu tư khi tìm tòi các loại gia vị trứ danh, trong sự hòa quyện hợp lý với gia vị lạ...

Cuộc thi Chiếc thìa vàng 2016 với tổng giải thưởng lên tới hơn 3 tỷ đồng do Công ty TNHH Minh Long I và Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp phối hợp tổ chức, nhãn hàng Ly’s Horeca tài trợ chính; Nhà tài trợ vàng - Tập đoàn Pernod Ricard Vietnam; Công ty Tân Hợp Thành là đơn vị tài trợ sản phẩm, đồng tài trợ - Công ty Dịch vụ Triển lãm Singapore tại TP.Hồ Chí Minh (Food & Hotel), New Viet Dairy. Cuộc thi được sự bảo trợ của hai đơn vị cấp quốc gia là Tổng cục Du lịch Việt Nam và Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Sau vòng sơ tuyển, 49 đội đại diện xuất sắc nhất tiếp tục tranh tài tại vòng bán kết để đến gần hơn chiếc Cúp Đầu bếp danh giá và giải thưởng 1 tỷ đồng dành riêng cho quán quân tại vòng chung kết cuộc thi Chiếc thìa vàng năm 2016. Và ngày 11-10 vừa qua, tại Cung Triển lãm Kiến trúc, Quy hoạch Xây dựng Quốc gia (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) vòng bán kết Chiếc thìa vàng 2016 phía Bắc đã diễn ra với sự tranh tài của 18 đội, là những đại diện xuất sắc đã vượt qua vòng sơ tuyển, đến từ Bắc Trung bộ, Đồng bằng sông Hồng, Cao nguyên Bắc bộ và Hà Nội.

Kết thúc một ngày thi đầy căng thẳng, giải thưởng cao nhất (trị giá 50 triệu đồng) của vòng bán kết phía Bắc đã được trao cho đội Naman Retreat Resort Đà Nẵng; 5 giải nhì (mỗi giải 40 triệu đồng), thuộc về các đội: Khách sạn Indochine Palace Huế (đội 62), Khách sạn Mường Thanh - Lào Cai (đội 81), Khách sạn Hilton Hanoi Opera (đội 103), InterContinental Danang Sun Peninsula Resort (đội 73) và Khách sạn Crowne Plaza Danang (đội 76).

Như vậy, 6 tấm vé giá trị đầu tiên đã được trao vào chung kết. Những cơ hội còn lại sẽ dành cho 30 đội đầu bếp miền Nam (từ Quảng Ngãi trở vào), diễn ra vào ngày 26 và 27-10, tại Nhà thi đấu Quân khu 7 (số 202 Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh).

Để biết thêm thông tin chi tiết vui lòng truy cập website: chiecthiavang.com

 

B.MINH - V.KHÁNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=865
Quay lên trên