Chiến dịch kéo dài hai năm qua đối với các quan tham ở tội danh tham nhũng, nhận hối lộ, hối lộ và rửa tiền ở Hy Lạp đã có kết quả. Ngày 22-4, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Akis Tsochatzopoulos đã bị đưa ra xét xử với cáo buộc rửa tiền liên quan đến các vụ mua vũ khí gây tranh cãi trong thời gian ông đương chức từ năm 1996-2001.
Akis Tsochatzopoulos bị cáo buộc đã nhận hối lộ từ tập đoàn Siemens và tập đoàn Ferrostaal (Đức).Ông Tsochatzopoulos không phải là chính trị gia cao cấp đầu tiên ở Hy Lạp bị đưa ra xét xử vì tội tham nhũng. Cựu Bộ trưởng Tài chính George Papaconstantinou cũng vừa bị thẩm vấn về việc bao che cho người thân bằng cách sửa danh sách gồm 2.000 người giàu gửi tiền qua tài khoản ở ngân hàng của Thụy Sĩ để trốn thuế. Đầu tháng 3-2013, thêm một số quan chức trong ban giám đốc công ty điện thuộc sở hữu nhà nước xin từ chức vì những sai phạm trong quản lý và cáo buộc tham nhũng. Nếu tính từ năm 2012 đến nay thì số chính trị gia và quan chức chính phủ bị điều tra đã lên tới 50 người, trong đó có 7 cựu bộ trưởng. Những người này đều bị cáo buộc rửa tiền, tham nhũng và trốn thuế lên tới gần 14 tỷ USD.
Thế nhưng vụ việc của ông A.Tsochatzopoulos, được xem là "mẻ cá lớn" mà Athens thu được, cho thấy những vấn đề lớn trong xã hội Hy Lạp. Ông Tsochatzopoulos, 73 tuổi, là người đồng sáng lập đảng Xã hội Hy Lạp.
Ông bị cáo buộc nhận tiền "lại quả" trong vụ mua hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Nga và một số tàu ngầm của Đức, khiến nhà nước thiệt hại hàng triệu euro. Tài liệu điều tra cho hay, ông Tsochatzopoulos đã khai tổng giá trị tài sản sở hữu là 47.000 euro vào năm 2006, 33.000 euro năm 2007 và 20.000 euro năm 2008. Tuy nhiên, số tiền này chỉ là một phần nhỏ trong tổng số tài sản mà ông và người vợ Viki Stamati đồng sở hữu. Theo cơ quan điều tra, trong suốt 3 thập niên liên tục đắc cử chức danh nghị sĩ Quốc hội Hy Lạp, đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng, ông Tsochatzopoulos đã thiết lập một mạng lưới công ty trá hình ở nước ngoài, rồi ủy thác chuyển hàng chục triệu euro qua những chương mục mà cựu bộ trưởng mở tại các ngân hàng Thụy Sĩ có chi nhánh tại Hy Lạp. Ngoài việc mua căn nhà trị giá 2 triệu USD trên phố Dionysiou Areopagitou ở trung tâm thủ đô Athens, ông Tsochatzopoulos cùng bà Viki Stamati và một số người thân trong gia đình đang sở hữu tới 58.000m2 bất động sản, phần lớn tọa lạc tại những khu thượng lưu ở Athens. Toàn bộ các giao dịch mua bán này được thực hiện bằng nguồn tiền qua tài khoản ủy thác từ một công ty nước ngoài.
Giới quan sát cho rằng, vụ án cựu bộ trưởng quốc phòng chỉ là phần nổi của tảng băng ở một nước mà giới quan chức tham nhũng dường như ít khi bị trừng phạt. Họ cho rằng, ở Hy Lạp phải có đến hàng nghìn những nhân vật kiểu như Tsochatzopoulos, nhưng hầu như họ "tàng hình" trước công lý. Theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), Hy Lạp là một trong những nước có tình trạng tham nhũng lớn nhất trong Liên minh Châu Âu (EU). Thống kê cho thấy, có tới 13% người Hy Lạp đã chi 750 triệu euro tiền phong bì cho các lãnh đạo khu vực công và khu vực tư.
Trước khi bị đưa ra pháp luật, ông Tsochatzopoulos đe dọa sẽ tiết lộ những cái tên đứng đằng sau vụ việc. Thế nhưng, bất chấp điều đó, Athens vẫn quyết tâm thực hiện chiến dịch làm trong sạch bộ máy công quyền vốn nhận được sự đồng tình rất lớn của dư luận. Dự kiến, vụ xét xử cựu bộ trưởng sẽ kéo dài ít nhất 1 tháng. Nếu bị kết tội, ông phải chịu mức án tới 20 năm tù giam. Quan trọng hơn, vụ việc đang hé mở nhiều tình tiết quan trọng để hỗ trợ quyết tâm minh bạch hóa chính trường của chính quyền Hy Lạp.
Theo HNM