Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954: Tầm vóc thời đại và giá trị di sản

Cập nhật: 04-05-2024 | 16:45:25

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024), ngày 4-5, tại Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954: Tầm vóc thời đại và giá trị di sản”. 


PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954) là một trong những sự kiện quan trọng nhất của lịch sử Việt Nam và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới trong thế kỉ XX. Đối với dân tộc Việt Nam, Chiến thắng Điện Biên Phủ góp phần quyết định vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), mở ra giai đoạn phát triển mới của lịch sử Việt Nam hiện đại. Đối với thế giới, Chiến thắng Điện Biên phủ có vị trí đặc biệt trong lịch sử chính trị, quân sự, quan hệ quốc tế... thế kỷ XX. Chiến thắng Điện Biên Phủ là “mốc vàng chói lọi” của phong trào giải phóng dân tộc, góp phần vào quá trình xóa bỏ hoàn toàn chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn cầu. 

Với ý nghĩa đó, hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên, giáo viên lịch sử cả nước đánh giá ý nghĩa và tầm vóc thời đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ, tái định vị sự kiện quan trọng này trong một diễn trình lớn hơn của lịch sử dân tộc, khu vực và thế giới. Đồng thời, nghiên cứu phát huy các giá trị di sản của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung và Chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội hiện nay.

Hội thảo đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của hàng trăm tác giả là nhà nghiên cứu, giảng viên, giáo viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên cả nước, với trên 90 bài viết được tuyển chọn đăng kỷ yếu, tập hợp trong 6 chủ đề: Bối cảnh, diễn biến, kết quả, ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ; Chiến thắng Điện Biên Phủ trong quan hệ quốc tế và dư luận thế giới; Nhân dân các địa phương và tỉnh Điện Biên với Chiến thắng Điện Biên Phủ; những bài học và giá trị di sản của Chiến thắng Điện Biên Phủ; những vấn đề về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954); Chiến thắng Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong dạy học lịch sử. 

Các nhà nghiên cứu đã có những nhận thức khái quát nhằm tái định vị chiến dịch Điện Biên Phủ trong khung cảnh rộng lớn hơn của truyền thống yêu nước chống xâm lược của lịch sử Việt Nam; làm rõ các vấn đề về nghệ thuật quân sự, chiến lược, chiến thuật của chiến dịch Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược. Bên cạnh đó, định hình vai trò, vị trí và mối quan hệ giữa các địa phương, trong đó có tỉnh Điện Biên đối với Chiến thắng Điện Biên Phủ. 

Nhiều báo cáo cũng đề cập đến các di sản tinh thần, vật chất liên quan đến chiến dịch Điện Biên Phủ như: việc sử dụng di tích lịch sử chiến trường trong phát triển du lịch, thúc đẩy sinh kế bền vững của người dân; phát huy giá trị tài liệu lưu trữ về chiến dịch Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến chống Pháp... 

Một trong các nội dung được sự quan tâm của các giảng viên, giáo viên đó là nghiên cứu, giảng dạy các nội dung về chiến dịch Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến chống Pháp trong chương trình lịch sử bậc phổ thông. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc tiếp cận lịch sử kết hợp tiến trình lịch đại (thông sử, bậc Trung học Cơ sở) và chủ đề, chuyên đề (bậc Trung học Phổ thông) đã tạo ra những cơ hội mới cho người dạy và người học nhằm tiếp cận cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến dịch Điện Biên Phủ ở các cấp độ và nhận thức khác nhau. Bên cạnh đó, việc triển khai chương trình giáo dục địa phương và tăng cường hoạt động học tập trải nghiệm... mở ra những cơ hội mới, không chỉ đối với việc giảng dạy lịch sử nói chung, còn mang các bài học về chiến dịch Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến chống Pháp đến gần hơn với học sinh. Các bài học lịch sử sống động, sử dụng công nghệ, kỹ thuật và các phương pháp dạy học hiện đại đã góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=949
Quay lên trên