Chiến thắng Hoài Đức 1975 tại miền Tây tỉnh Bình Thuận đã nối liền đường tiến công của các cánh quân ta từ Nam Tây nguyên xuống, tiếp tục giải phóng các tỉnh Đông Nam bộ và Sài Gòn.
Để thực hiện được mệnh lệnh hành quân thần tốc trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân dân các địa phương có những đóng góp hết sức to lớn trong việc phối hợp với các đoàn quân giải phóng trong việc mở đường tiến thẳng về Sài Gòn.
Nếu như chiến thắng Phan Rang ở Ninh Thuận đã bẻ gãy “lá chắn thép” từ xa của ngụy quyền Sài Gòn, thì chiến thắng Hoài Đức tại miền Tây tỉnh Bình Thuận đã nối liền đường tiến công của các cánh quân ta từ Nam Tây nguyên xuống, tiếp tục giải phóng các tỉnh Đông Nam bộ và Sài Gòn.
Cứ vào dịp tháng 3, tháng 4 hàng năm, hàng trăm cựu chiến binh từ nhiều vùng miền đất nước lại trở về vùng đất Hoài Đức, nay là huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận để thăm lại chiến trường xưa, thăm lại quân dân các dân tộc nơi đây đã phối hợp chiến đấu hết sức nhịp nhàng để cùng nhau làm nên chiến thắng Hoài Đức vang dội.
Nằm ở vị trí quan trọng: vừa nối liền Nam Tây nguyên với Đông Nam bộ, vừa là vùng chiến lược của địch ở Nam Trung bộ, Hoài Đức là địa bàn mà ta và địch giằng co trong một thời gian khá dài. Qua 2 đợt chiến dịch kéo dài từ ngày 10-12-74 đến ngày 23-3-1975, các đơn vị chủ lực và quân dân địa phương đã hoàn toàn làm chủ Hoài Đức.
Với chiến thắng này, quân ta tiếp tục uy hiếp địch ở cữa ngõ đông bắc, mở rộng hành lang tiến công về Sài Gòn.
Theo VTV