Vận chuyển gạo xuất khẩu trong kho của Doanh nghiệp tư nhân Chế biến nông sản Quang Vũ, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Những tiên lượng về căng thẳng thương mại Mỹ-Trung ngày càng gay gắt đang dần hiện hữu.
Rất nhiều quốc gia vốn là bạn hàng của một trong hai bên, thậm chí là cả hai bên đều bị ảnh hưởng và chịu thiệt hại không nhỏ cả về kinh tế và ngoại giao.
Tại Việt Nam, đã có nhiều lo ngại về việc sẽ có hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc được trà trộn và đeo tem nhãn, thương hiệu Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ. Khi ấy, sẽ không chỉ là các biện pháp phòng vệ thương mại mà có thể Việt Nam sẽ chịu sự ảnh hưởng trực tiếp tương tự như Trung Quốc hiện nay.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển Đại học Fullbright Việt Nam nhấn mạnh, nếu các doanh nghiệp dễ dàng chấp nhận hợp tác kinh doanh trên cơ sở hàng hóa Trung Quốc, tem nhãn Việt Nam… mà việc làm này lại không bị phát hiện, ngăn chặn kịp thời bằng những cảnh báo, chế tài xử lý vi phạm, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
Qua tìm hiểu trực tiếp tại Hội nghị quốc tế mặt hàng gạo tại Việt Nam, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo tới thị trường Mỹ và Trung Quốc đều cho biết do chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc này, dẫn tới chính sách nhập khẩu vào nước họ ngày càng chặt chẽ với nhiều tiêu chuẩn và khắt khe hơn.
Điều này gây khó khăn đối với gạo xuất khẩu Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này.
Ông Peter Doan, giám đốc Marketing, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát Tài cho biết, hiện nay, gạo Phát Tài đã xuất khẩu sang Philippines, Timor-Lester, Malaysia…
Ngoài ra, sản phẩm cũng vươn tới thị trường châu Âu, Nhật Bản và nhiều quốc gia đông dân số, tuy nhiên chưa bán sang Mỹ.
Bởi Mỹ là một thị trường cực kỳ khó tính với những tiêu chuẩn rất cao về kỹ thuật và chất lượng; trong đó có việc đòi hỏi doanh nghiệp phải có chứng nhận của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) mới đủ điều kiện xuất khẩu gạo sang thị trường này.
Ngoài ra, còn có nhiều rào cản thương mại khác mà không dễ gì các doanh nghiệp gạo Việt Nam đủ năng lực và điều kiện để xuất khẩu sang đây.
Thực tế, cũng đã từng có doanh nghiệp gạo xuất khẩu một số mặt hàng đặc sản sang Mỹ, tuy nhiên cũng không ít sản phẩm bị từ chối và phải quay đầu nhập lại do không đảm bảo các yêu cầu về chất lượng.
Trung Quốc cũng từng là bạn hàng nhập khẩu của gạo Phát Tài. Tuy nhiên gần đây, cũng đưa ra một số tiêu chí tương đối chặt chẽ về chất lượng hàng nhập khẩu.
Ví dụ như kiểm soát về hạt cỏ, gạo tấm không được lẫn các hạt đen, hạt cỏ… cùng nhiều quy định ngặt nghèo khác khiến các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này gặp khó khăn.
Do vậy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu ngưng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc. Bản thân gạo Phát Tài cũng đã ngưng hẳn việc xuất khẩu gạo sang trị trường này, nhưng tới đây, doanh nghiệp đang xin lại giấy phép để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ông Peter Doan cũng bày tỏ quan ngại về hậu quả của cuộc chiến tranh thương mại Trung-Mỹ, nhất là khi xu hướng dịch chuyển sản xuất của Trung Quốc sang Việt Nam đang phát triển rất nhanh và mạnh.
Nền sản xuất của Việt Nam đã nhỏ, cho dù, sản xuất gạo hàng hóa có nhiều lợi thế và là điểm tựa lớn của xuất khẩu Việt Nam song nếu không có các biện pháp phòng vệ, các doanh nghiệp không ý thức được hậu quả và chấp nhận phương thức kinh doanh “ăn xổi” thì tới đây, khi không còn những thuận lợi như hiện nay ngành gạo và nhiều ngành sản xuất khác sẽ đối diện với những thách thức rất lớn.
Ông Vũ Nguyên, đại diện Công ty Lương thực và Nguồn cung hàng hóa Phoenix, một trong những đơn vị kinh doanh gạo hàng đầu thế giới từng là bạn hàng lớn của nhiều doanh nghiệp sản xuất gạo Việt Nam, cũng khẳng định, tới đây, với những tín hiệu lạc quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ có khá nhiều triển vọng.
Tuy nhiên, cần loại trừ những yếu tố tác động từ cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Phoenix nhận thấy một thực tế, cần phải kiểm soát chất lượng gạo chặt chẽ hơn vì có xu hướng gạo xuất khẩu của Việt Nam nhưng sản xuất tại nước khác.
Bởi việc truy xuất nguồn gốc rất chặt chẽ như nhiều quốc gia đang áp dụng hiện nay và theo thông lệ quốc tế của nhiều hiệp định thương mại đã ký kết giữa Việt Nam với các nước khác sẽ là điều bất lợi cho các doanh nghiệp.
Là một trong những đơn vị có thẩm quyền và chức năng giám định chất lượng gạo xuất khẩu, Công ty cổ phần Giám định và Khử trùng FCC có nhiều kinh nghiệm tiếp xúc và là trung gian giữa các doanh nghiệp xuất khẩu gạo với đối tác bạn hàng.
Ông Lê Văn Chung, Phó Giám đốc FCC cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ và Trung Quốc có thể chưa tác động nhiều tới xuất khẩu gạo Việt Nam, nhất là khi mặt hàng này không nằm trong danh mục hạn chế theo chính sách kinh tế ở nước họ.
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cần sự tỉnh táo và cân nhắc kỹ lưỡng để tránh tối đa những ảnh hưởng liên đới. Nếu không, hậu quả sẽ đến nhanh và thiệt hại sẽ không nhỏ.
Trên nhiều bình diện, có thể thấy rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ và Trung Quốc cùng những tác động tiêu cực đang hiện hữu ngày càng rõ nét và gây ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều ngành sản xuất; trong đó có dệt may, da giầy, gạo và nông sản, công nghiệp…
Mỗi doanh nghiệp cần trang bị kiến thức cơ bản để tránh cho mình những nguy cơ và rủi ro không đáng có./.
Theo TTXVN