Chính phủ ban hành Nghị định mới về quản lý chất thải và phế liệu

Cập nhật: 06-06-2015 | 08:55:12

Ngày 24-4, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu, theo đó Nghị định gồm 9 chương, 66 điều quy định về: Quản lý chất thải bao gồm chất thải nguy hại; chất thải rắn sinh hoạt; chất thải rắn công nghiệp thông thường; sản phẩm thải lỏng; nước thải; khí thải công nghiệp; các chất thải đặc thù khác và quy định về vấn đề bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu.

Nghị định này được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến chất thải và phế liệu nhập khẩu trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.

Bên cạnh việc giải thích rõ các thuật ngữ liên quan đến hoạt động quản lý chất thải, nghị định này cũng quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải rắn sinh hoạt phải thực hiện việc phân loại, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định như sau: Chất thải rắn sinh hoạt được phân loại thành 3 nhóm, bao gồm: Nhóm hữu cơ dễ phân hủy (nhóm thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế (nhóm giấy, nhựa, kim loại, cao su, nylon, thủy tinh) và nhóm còn lại. Chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại được lưu giữ trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa phù hợp. Ngoài ra, hộ gia đình, cá nhân phải nộp phí vệ sinh cho thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm ký hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý và thanh toán toàn bộ chi phí theo hợp đồng dịch vụ.

Về đối tượng được phép nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài vào Việt Nam bao gồm: Tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; tổ chức, cá nhân nhận ủy thác nhập khẩu cho tổ chức, cá nhân sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Các đối tượng này phải có trách nhiệm tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu, thanh toán toàn bộ các khoản chi phí xử lý phế liệu nhập khẩu trong trường hợp số tiền ký quỹ không đủ để xử lý phế liệu nhập khẩu vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, hàng năm trước ngày 15-1 của năm tiếp theo, tổ chức cá nhân có cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu phải báo cáo về tình hình nhập khẩu và sử dụng phế liệu trong năm gửi Sở Tài nguyên và Môi trường.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-6-2015.

SỞ TƯ PHÁP BÌNH DƯƠNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1380
Quay lên trên