Chính phủ liên minh của Hà Lan đã sụp đổ ngày 20-2, sau 15 giờ thương lượng giữa các đảng mà không thống nhất được kế hoạch mở rộng thời gian hoạt động của binh sĩ nước này tại Afghanistan.
Reuters cho biết Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo của ông Balkenende, đối tác lớn nhất trong liên minh ba đảng, đã đề xuất duy trì lực lượng nhỏ ở Afghanistan thêm một năm sau khi thời hạn chót kết thúc vào tháng 8-2010.
Thủ lĩnh Công Đảng Wouter Bos (thứ hai từ phải sang) thông báo rút khỏi chính phủ liên minh ba đảng
Tuy nhiên, Phó thủ tướng Wouter Bos thuộc Công Đảng - đảng lớn thứ hai trong chính phủ - phản đối gay gắt. Ông muốn Hà Lan rút quân khỏi Afghanistan theo như cam kết, tức là “binh sĩ cuối cùng của Hà Lan rời khỏi tỉnh Uruzgan vào trước cuối năm nay”. Công Đảng thông báo không tham gia chính phủ nữa.
Liên minh cầm quyền Hà Lan tan vỡ chỉ hai ngày trước kỷ niệm ba năm thành lập liên minh. Như vậy, 2.000 quân lính Hà Lan sẽ về nước trong năm 2010 và bầu cử quốc hội mới sẽ được tiến hành.
Đây là lần tan vỡ liên minh lần thứ tư của nội các do ông Balkenende dẫn đầu trong tám năm qua, khiến người ta lo ngại rằng các kế hoạch giúp phục hồi nền kinh tế Hà Lan thoát khỏi khủng hoảng tài chính toàn cầu có thể phải dời đến năm 2011, sau khi thành lập được chính phủ mới.
Bầu cử quốc hội có thể được tổ chức sớm nhất vào giữa năm 2010, sau đó sẽ mất nhiều tháng thương lượng giữa các đảng để thành lập chính phủ.
Tuy nhiên, điều này cũng không dễ dàng vì các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy có thể cần tới bốn hoặc năm đảng để đảm bảo có liên minh đa số trong quốc hội 150 ghế.
Hà Lan đưa binh lính tới đóng tại tỉnh Uruzgan năm 2006 và theo kế hoạch sẽ rút quân về vào tháng 8 và tháng 9 năm nay.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã yêu cầu Hà Lan, nằm trong nhóm mười quốc gia có nhiều quân tại Afghanistan nhất, xem xét khả năng ở lại Afghanistan lâu hơn nữa do NATO đang tìm cách kiểm soát sự nổi dậy đang ngày một nhiều của phe Taliban.
Chính phủ Hà Lan đã nới rộng thời gian đóng quân tại Afghanistan vào năm 2008 theo đề nghị của NATO vì không có lực lượng thay thế.
Quốc hội Hà Lan bỏ phiếu vào tháng 10-2009 yêu cầu rút quân về nước vĩnh viễn dù chính phủ chưa phê chuẩn kết quả này.
Ngoài binh lính, Hà Lan cũng cung cấp máy bay chiến đấu F-16 và nhiều nhân sự trong lĩnh vực khác cho NATO.
Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định 18 tháng tới sẽ rất quan trọng cho sứ mệnh quốc tế ở Afghanistan.
Sau hơn tám năm nỗ lực bình ổn đất nước Nam Á của lực lượng do Mỹ đứng đầu, đến nay chính trường này vẫn tiếp tục lấy đi nhiều sinh mạng của binh lính nước ngoài qua các vụ tấn công liều chết và cài bom trên đường của lực lượng Taliban ở nhiều khu vực.
Theo Tuổi Trẻ