Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thường trực Chính phủ đã có cuộc làm việc, nghe và thảo luận cùng các chuyên gia kinh tế về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội năm 2011.
Ảnh minh họaĐây sẽ là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong hoạt động chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, và sẽ được cụ thể hóa bằng Nghị quyết của Chính phủ sẽ ban hành trong 1-2 ngày tới.
Đây sẽ là một Nghị quyết Chuyên đề của Chính phủ với các giải pháp đồng bộ, căn cơ, đặt trọng tâm vào việc xử lý các các khó khăn, thách thức, bất ổn, từ bên trong nền kinh tế, cũng như tác động vào từ bên ngoài, đang nổi lên và đe dọa đến sự ổn định kinh tế vĩ mô cũng như mục kiểm soát lạm phát đặt ra cho năm 2011. Nghị quyết này đặt đưa mục tiêu kiểm soát lên hàng đầu và có sự phối hợp chặt chẽ giữa 2 nhóm giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu này là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Dự thảo Nghị quyết đã đưa ra 6 nhóm giải pháp chủ yếu và được thực hiện đồng bộ, bao gồm: Thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng - Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, tiết kiệm, và tăng cường quản lý đầu tư công - Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng, thực hiện lộ trình điều hành giá bán xăng dầu, điện theo cơ chế thị trường - Tăng cường bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội - Đẩy mạnh công tác tư tưởng, thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội - Và quyết liệt trong tổ chức thực hiện. Đánh giá và góp ý vào dự thảo Nghị quyết, các chuyên gia kinh tế đều biểu thị cao về sự kịp thời trong việc ban hành Nghị quyết này, và thể hiện sự nhanh chóng trong phản ứng chính sách của Chính phủ. Với các giải pháp đồng bộ và mạnh mẽ, có tính định lượng cao, các chuyên gia cho rằng, Nghị quyết này sẽ là một thông điệp rõ ràng đối với thị trường về khả năng và nguồn lực của Chính phủ trong việc kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Chẳng hạn như giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng xuống 20% và dưới 20%; giảm bội chi Ngân sách xuống dưới 5% so với mức kế hoạch 5,3%; giảm mạnh đầu tư công và chi tiêu Chính phủ. Ngoài ra sẽ có nhiều các biện pháp thị trường và kỹ thuật khác được thực hiện nhằm bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam như hiện nay cũng như giảm căng thẳng cung cầu ngoại tệ. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh: Nếu triển khai đồng bộ, kiên trì, quyết tâm chính trị cao, mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô sẽ đạt được sau khoảng 2 quý, và tạo nên thời cơ mới cho Chính phủ thực hiện các mục tiêu dài hạn như tái cấu trúc nền kinh tế, thực hiện đầy đủ cơ chế thị trường, cũng như tiếp tục điều hành các mục tiêu khác của nền kinh tế trên nền sự ổn định này. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến yếu tố phối hợp trong triển khai thực tế và củng cố sự đồng thuận, lòng tin có vai trò hết sức quan trọng vì những tác động của việc điều chỉnh một loạt các chính sách là không nhỏ. Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh những ý kiến trách nhiệm, tâm huyết và cũng hết sức xác đáng, thiết thực của các chuyên gia, nhà kinh tế đối với những giải pháp mà Chính phủ sẽ sử dụng để kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Thủ tướng nêu rõ, sự phân tích, chia sẻ của các chuyên gia, sự ủng hộ của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp cũng là một yếu tố đảm bảo cho việc thực thi thành công các chính sách. Đây vừa là giải pháp vừa cấp bách, và cũng hàm chứa những giải pháp lâu dài, tuy nhiên một hệ thống giải pháp đồng bộ, toàn diện tiếp theo thể hiện sự phối hợp giữa các mục tiêu cấp bách, ngắn hạn với trung và dài hạn cũng sẽ sớm được ban hành. Khẳng định Chính phủ không chủ quan trước tình hình, song có đủ các biện pháp, kể cả nguồn lực để thực hiện thành công các mục tiêu này. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu các ý kiến, những giải pháp bổ sung để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để sớm ban hành. Với mục tiêu, yêu cầu là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; các nhóm giải pháp bao gồm chính sách tiền tệ, tài khóa; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu; bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo sẽ được thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có kiểm tra, giám sát, đôn đốc, được chắc diễn biến và tình hình để xử lý kịp thời. Ngoài việc quyết liệt trong tổ chức thực hiện, Thủ tướng nhấn mạnh một yếu tố hết sức quan trọng là tạo sự chia sẻ, đồng thuận, nhất trí, nỗ lực vượt khó cả cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Và điều này đòi hỏi phải chủ động và làm tốt công tác thông tin - tuyên truyền.Theo VOV