Chính phủ: Tăng lương, không tăng lượng tiền

Cập nhật: 06-05-2010 | 00:00:00

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc tăng lương được thực hiện từ nguồn tăng thu ngân sách và do không tăng tổng lượng tiền nên không có lí do để tăng giá.

 

Chính phủ yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty không tăng giá với các

mặt hàng quan trọng như than, điện…

 Truyền đạt nội dung phiên họp Chính phủ tháng 4 (diễn ra ngày 5-5), Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát giá, hạn chế đầu cơ, nhất là với các mặt hàng thiết yếu. Thủ tướng cũng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty không tăng giá với các mặt hàng quan trọng như than, điện…

 

Riêng với việc tăng lương, Thủ tướng yêu cầu không để tăng lương đi liền với tăng giá. “Tăng lương được thực hiện từ nguồn tăng thu ngân sách, chứ không phải từ phát hành tiền nên tổng lượng tiền không đổi và không có cơ sở để tăng giá”, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giải thích.

 

Đề cập vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho rằng việc tăng lương lần này tuân thủ theo đề án tổng thể được xây dựng từ những năm trước và việc tăng này có trong dự toán ngân sách, có chuẩn bị nguồn. Ông Hiếu nhấn mạnh, không phải vì tăng giá mà tăng lương và cũng không phải vì tăng lương mà tăng giá.

 

Trở lại với vấn đề lạm phát nói chung, trả lời câu hỏi về việc có điều chỉnh mục tiêu về lạm phát (7%) hay không, ông Hiếu cho rằng, Chính phủ chưa đặt ra vấn đề này. “Tinh thần lúc này vẫn là quyết tâm cao nhất để thực hiện chỉ tiêu trên, đảm bảo cân đối vĩ mô”, ông Hiếu nhấn mạnh.

 

Cũng theo ông Hiếu, dù chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 chỉ tăng 0,14%, nhưng cần nhìn con số này với thái độ bình tĩnh, tránh chủ quan.

 

Về vấn đề lãi suất ngân hàng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã có các biện pháp thực hiện giảm mặt bằng lãi suất. Đến nay, lãi suất cho vay phổ biến ở quanh mức 14%, trong đó những lĩnh vực cần ưu đãi như nông nghiệp, xuất khẩu cho vay ở mức 13%, vay trung dài hạn ở mức 14%... Trong khi đó, lãi suất huy động khoảng 11,5% và tới đây còn có thể giảm tiếp.

 

Theo ông Tiến, việc lãi suất được kéo xuống như vậy là “đáng mừng” bởi đã giúp cho doanh nghiệp, người dân có thể tiếp cận vốn để đưa vào sản xuất, kinh doanh, đem lại những yếu tố tích cực cho tăng trưởng kinh tế.

 

Với mục tiêu Chính phủ đặt ra là không để lạm phát tăng cao, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng khoảng 6,5%, ông Tiến đánh giá, mức lãi suất như hiện nay hoặc giảm hơn một chút nữa là phù hợp.

 

Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng cho biết, ngành ngân hàng sẽ thường xuyên theo dõi thực tiễn và nếu thị trường có những diễn biến phát sinh, không thuận lợi, ngành phải điều chỉnh theo nguyên tắc chủ động, linh hoạt và thận trọng.

 

Tại phiên họp tháng 4, Chính phủ nhận định, nền kinh tế có những biến đổi rất tích cực: công nghiệp tăng 13% so với tháng 3, chỉ số giá tiêu dùng thấp nhất từ đầu năm (0,14%), tình hình thanh khoản được cải thiện, tỷ giá hối đoái tương đối ổn định…

 

Chính phủ tiếp tục khẳng định những mục tiêu lớn đã được Quốc hội đề ra như ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát… Để thực hiện được những mục tiêu này đòi hỏi phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp.

(THEO DÂN TRÍ)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=359
Quay lên trên