Đầu năm 2009, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại (KTTT). Đây chính là một chính sách phù hợp với thực tế sản xuất của nông nghiệp Bình Dương (BD). Tuy nhiên, cho đến nay có rất ít người tiếp cận với chính sách này.
Chính sách hợp lý
Trong thời gian qua, mô hình KTTT ở BD đã góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh, thúc đẩy xây dựng hạ tầng kinh tế nông thôn, tăng thu nhập cho nông dân, giải quyết việc làm trong nông thôn và nâng cao giá trị của các nông sản. Trang trại (TT) còn là nơi cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất.
Cần triển khai sâu rộng các chính sách đến với các chủ TT. (Trong ảnh: Chăm sóc cam tại xã Hiếu Liêm, huyện Tân Uyên)
Với thực tế phát triển KTTT trên địa bàn, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 55 ngày 11-8-2009 về quy định tạm thời trình tự, thủ tục cấp và thu hồi giấy chứng nhận (GCN) KTTT trên địa bàn BD và Quyết định số 02 ngày 13-1-2009 của UBND tỉnh BD về một số chính sách khuyến khích phát triển KTTT trên địa bàn BD năm 2009, 2010. Hiện nay trên địa bàn BD có khoảng gần 1.800 TT với tổng số lao động thường xuyên hơn 9.000 người, tổng diện tích đất sản xuất là 16.960 ha. Một số TT đã xây dựng được thương hiệu, mở rộng thị trường ra nước ngoài và có thu nhập cao. Theo các chủ TT, nếu được cấp GCN, các TT se nhận được một số hỗ trợ như: kinh phí xây dựng hệ thống biogas xử lý chất thải chuồng trại trong chăn nuôi; 50% chi phí tiêm vắc- xin phòng chống các loại dịch bệnh; được hỗ trợ kinh phí cho việc đầu tư ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các công nghệ mới; hỗ trợ tư vấn cho việc lập hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Nhiều chủ TT đã hy vọng nếu được cấp GCN thì TT của mình sẽ có khả năng mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường nhằm nâng cao chất lượng và giá trị nông sản. Ông Danh Riêm - Chủ TT cao su kết hợp chăn nuôi heo tại xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng cho biết: “Các chính sách hỗ trợ cho phát triển KTTT của tỉnh trong thời gian qua là phù hợp và thiết thực với những TT. Tuy nhiên các chương trình, chính sách hỗ trợ này cần triển khai nhanh chóng, kịp thời đến các TT và trong thời gian tới chúng tôi mong muốn được nhận nhiều hơn nữa các hỗ trợ như trên của tỉnh để những người làm TT như tôi yên tâm sản xuất”. Thực tế cho thấy các nội dung trong chính sách cũng phù hợp với một số mô hình KTTT. Tuy nhiên thực tế cho thấy đến nay vẫn còn rất ít các chủ TT có thể tiếp cận với chính sách này so với tổng số TT có trên địa bàn tỉnh.
Tiếp cận vẫn khó
Các địa phương như Tân Uyên, Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bến Cát là nơi có các TT với quy mô lớn và đạt giá trị kinh tế cao. Các Phòng Kinh tế các huyện cũng đã triển khai nội dung hướng dẫn cấp giấy chứng nhận TT xuống các xã nhưng số các chủ TT đến liên hệ vẫn rất ít. Tại huyện Tân Uyên hiện nay cũng mới chỉ cấp được 10 GCN KTTT cho các chủ TT. Tại Phú Giáo hiện nay có khoảng 600 TT nhưng cho đến nay mới chỉ cấp GCN cho 50 TT. Chủ yếu là tập trung một số mô hình chăn nuôi, trồng trọt kết hợp với nuôi trồng thủy sản. Ông Ngô Đình Thành - Phó phòng Kinh tế huyện Phú Giáo cho biết, sở dĩ việc cấp GCN KTTT trên địa bàn huyện trong thời gian qua đạt tỷ lệ thấp là do phần lớn chủ TT là người ngoài địa phương nên không tham dự được các lớp tập huấn tổ chức tại huyện. Mặt khác GCN TT không phải là điều kiện bắt buộc nên nhiều người không mấy quan tâm. Các nhu cầu về vốn của các TT là lớn, nhưng các nội dung hỗ trợ trong chính sách lại có mức thấp và không vượt quá 50 triệu đồng/mô hình và chỉ hỗ trợ cho dự án lần đầu. Bên cạnh đó dù có được cấp GCN nhưng nếu cac TT muốn vay tiền ngân hàng vẫn phải thế chấp GCN quyền sử dụng đất và tùy theo giá trị tài sản thế chấp mà được vay nhiều hay ít. Anh Nguyễn Thanh Úy - ngụ tại xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng cho biết, hiện nay tôi có TT trồng cao su 4 ha và đang trong giai đoạn khai thác. Tôi cũng đã tìm hiểu kỹ các nội dung trong chính sách khuyến khích phát triển KTTT, giờ tôi muốn có một số vốn lớn hơn để đầu tư cải tạo vườn cây nhưng với số tiền hỗ trợ 50 triệu đồng thì cũng không làm được gì cả.
Với những thực tế như trên nên thời gian qua nhu cầu cấp GCN TT tại các địa phương là rất thấp. Một số chủ TT làm GCN TT để làm cam kết bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi hoặc là được ưu đãi kéo điện vào. Thiết nghĩ, để chính sách phù hợp này đến với các TT, các địa phương, các cấp cũng cần tiếp tục triển khai sâu rộng đến các chủ TT nắm rõ hơn các nội dung của chính sách này để được hỗ trợ kịp thời.
CAO SƠN