Chính sách lãi suất phải bảo đảm lợi ích chung của nền kinh tế

Cập nhật: 30-03-2010 | 00:00:00

Từ đầu tháng 1 đến nay, việc huy động vốn của các ngân hàng thương mại (NHTM) gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân được đưa ra là do lãi suất huy động (LSHĐ) của các NHTM chưa hấp dẫn, chưa đáp ứng cung cầu của thị trường tiền tệ. Vì vậy, các NHTM đang đề nghị NHNN nên bỏ trần LSHĐ tạo điều kiện cho các NHTM tăng LSHĐ để thu hút vốn, đáp ứng cho nhu cầu của nền kinh tế.

Thiết lập mức lãi suất hợp lý trong huy động và cho vay sẽ là nhân tố quan trọng trong việc góp phần bảo đảm an sinh xã hộiCó nên bỏ trần lãi suất?

Năm 2008, CPI tháng 3-2008 tăng 2,88%, kéo CPI cả năm lên tới 19,96%. Trong khi đó, CPI tháng 3-2010 của 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM tăng tới 0,75% và 0,78% khiến CPI tháng 3 của cả nước nhiều khả năng cũng tăng ở mức 0,6 - 0,7%. Tại phiên họp mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cũng thừa nhận, CPI tháng 3 không giảm như mọi năm có thể do ảnh hưởng của việc điều chỉnh tăng giá điện và giá than từ ngày 1-3 vừa qua. Tuy nhiên, việc tăng giá này không có đột biến và vẫn nằm trong tầm kiểm soát và với các giải pháp quản lý chặt chẽ của Chính phủ, CPI cả năm hoàn toàn có thể được khống chế ở mức cho phép. Theo các chuyên gia, CPI năm nay cho dù có thể không đạt mục tiêu đề ra, nhưng nhiều khả năng chỉ dừng ở mức dưới một con số. Điều đó có nghĩa mức LSHĐ hiện nay vẫn bảo đảm thực dương cho người gửi tiền.

Lãi suất bảo đảm thực dương nhưng vì sao các NHTM vẫn khó huy động vốn? Theo các chuyên gia kinh tế, sở dĩ như vậy một phần cũng do chính các NHTM, đặc biệt là các NHTMCP nhỏ đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng thái quá mà không dựa vào thực tế của thị trường, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt giữa các NHTM trong huy động vốn. Kết quả là LSHĐ của tất cả các kỳ hạn đều được đưa về sát trần 10,5%/năm, đó là chưa kể các chương trình khuyến mại như tặng tiền, tặng vàng, quay số trúng thưởng... Một số NH cũng khuyến khích người gửi tiết kiệm kỳ hạn dài bằng cách trả lãi ngay thời điểm gửi tiền, đồng thời cho phép chọn định kỳ rút tiền trước hạn... vẫn đang tiếp tục được các NHTM triển khai rất mạnh mẽ, khiến LSHĐ thực bị đẩy lên hơn 12%/năm. Song, động thái này chẳng những không cải thiện được nguồn vốn cho các NHTM mà còn làm người gửi tiền nảy sinh tâm lý chọn kỳ hạn gửi ngắn hạn và tạo ra kỳ vọng tăng lãi suất, gây nhiều bất ổn về cơ cấu nguồn vốn cho các NHTM và rất dễ phát sinh mâu thuẫn hai bên.

Chính vì vậy, đã có nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại khi bỏ trần LSHĐ chẳng những không cải thiện được nguồn vốn cho các NHTM mà còn làm gia tăng kỳ vọng tăng lãi suất trong người gửi tiền, từ đó có thể dẫn đến một cuộc đua lãi suất như đã từng diễn ra vào năm 2008. Kết quả là nền kinh tế sẽ gánh chịu hậu quả. Việc tăng lãi suất đầu vào tất nhiên sẽ kéo theo mặt bằng lãi suất đầu ra cũng tăng cao. Lãi suất cho vay tăng tác động làm tăng mạnh chi phí đầu vào của DN, của nền kinh tế và DN sẽ tìm cách tăng giá bán ra. Cộng hưởng cả hai yếu tố này, hàng hóa sẽ có nguy cơ tăng lên một mặt bằng giá mới, gây nhiều khó khăn cho cộng đồng DN và người dân, đẩy lạm phát tăng cao, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Cần cân đối quyền lợi của cả 3 bên

Theo nhận định chung, hiện nền kinh tế mới vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, cộng đồng DN vẫn như “người mới ốm dậy” mà vẫn phải đối mặt với việc cắt giảm sản lượng, hạ giá thành để tăng sức cạnh tranh, tái cơ cấu để có thể bắt kịp tốc độ phục hồi kinh tế sau khủng hoảng. Trong khi đó, Quốc hội đã thông qua mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm 2010, đồng thời tái cấu trúc lại nền kinh tế để tạo đà tăng trưởng bền vững trong giai đoạn tới. Thấu hiểu những khó khăn đó, Chính phủ đã tiếp tục chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho các khoản vay trung và dài hạn để hỗ trợ DN tái cấu trúc, bứt phá trong giai đoạn hậu khủng hoảng.

Mặc dù hệ thống ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn, nhưng bỏ trần LSHĐ hay tăng lãi suất là điều cần phải cân nhắc, dựa trên lợi ích của cả nền kinh tế. Điều đó cũng có nghĩa, chính sách tiền tệ phải cân đối được quyền lợi của cả 3 đối tượng người gửi tiền, ngân hàng và người vay. Trong đó, chính sách lãi vay phải khuyến khích DN thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm và thu nhập cho người dân. Theo các chuyên gia kinh tế, thay vì tăng lãi suất, NHNN có thể hỗ trợ các NHTM giảm bớt chi phí vốn bằng cách giảm lãi suất chiết khấu, giảm lãi suất tái cấp vốn hay hạ thấp tỷ lệ dự trữ bắt buộc... nhằm tạo điều kiện cho các NHTM hạ thấp lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế.

TRÚC HUỲNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=343
Quay lên trên