Chợ Búng-Nơi gìn giữ nét văn hóa xưa

Cập nhật: 22-08-2023 | 13:44:54

(BDO) Nhà tôi ở trên một con đường chính thuộc trung tâm TP.Thủ Dầu Một. Hai bên đường đa số là các cửa hàng bày bán quần áo, giày dép thời trang. Những ngày cuối tuần, tôi thường hay chạy xe dọc theo con sông Sài Gòn, len lỏi vào các vườn cây xanh mát của xã An Sơn, TP.Thuận An để tận hưởng không khí trong lành, thơm ngát mùi hoa cau. 

Từ xã An Sơn, tôi vòng ra phường An Thạnh rồi ghé vào chợ Búng dạo chơi, tìm các sản phẩm “cây nhà lá vườn” và các món bánh quê do người dân tự tay làm, có khi mua về làm quà, có khi chỉ để ngắm cho vui…

Thời đại tân tiến, siêu thị mọc lên khắp phố phường, từ nhà tôi vừa bước ra ngỏ là gặp siêu thị, rất thuận lợi. Không những thế, nếu “làm biếng” hơn nữa thì chỉ cần ngồi tại nhà cầm điện thoại lên chốt đơn, ngay lập tức người bán hàng trên mạng sẽ đưa hàng hóa đến tận nhà. Song với tôi, vẫn thích đến các ngôi chợ truyền thống như: chợ Thủ Dầu Một, chợ Búng, chợ Lái Thiêu… để dạo quanh, tìm những gian hàng truyền thống, hay những nét cổ kính nào đó vẫn đang tồn tại từ hàng trăm năm nay.





Những hình ảnh chợ Búng trong chương trình Tôi yêu Bình Dương (tập 52)

Mỗi lần đến chợ Búng, tôi thường hay ghé vào xe bánh mì trước cửa chợ mua một ổ nóng giòn, hoặc ghé tiệm bánh cuốn bên cạnh chợ gọi một dĩa bánh. Dùng xong rồi tôi ghé vào quán cà phê hẻm vừa nhâm nhi ly cà phê thơm ngát vừa ngắm nhìn người đi chợ.

Bánh mì, bánh cuốn ở đâu cũng có, sao tôi lại phải chạy xe xuống tới chợ Búng cho xa? Có lẽ tôi đã quen với những món ăn vừa ngon vừa rẻ ở đây. Bánh mì ở chợ Búng có nước sốt thơm mùi ngũ vị rất riêng, bánh cuốn cũng vậy, có mùi lá dứa thơm như mùi lúa chín trên cánh đồng quê ngoại tôi ngày xưa. Người bán hàng lúc nào cũng vui vẻ, cười đùa, mỗi lần tôi ghé hàng bánh cuốn, tiệm cà phê quen là mỗi lần tôi được trò chuyện thân tình với anh chủ tiệm vui tính. Từ một vài lần ghé qua đến khi đã thành thói quen thì rất khó thay đổi. Một tuần, hai tuần không ghé chợ Búng là trong lòng tôi lại thấy nhớ… những gương mặt, những hàng quán như đã quen thuộc với tôi từ rất lâu.

Vào chợ, tôi luôn ghé qua các gian hàng bày bán các sản vật do chính tay người dân làm ra như: mắm nêm, mắm thái, bánh ít, bánh bò, rau tập tàng, rau lang, trứng vịt, trứng ngỗng,… những món ăn dân dã như thế tôi lại thấy ngon hơn, hợp khẩu vị hơn các món có tên gọi lạ lẫm mà lại đắt tiền trong các hàng quán sang trọng.

[Xem Tập 52 - Chợ Búng - Tìm về nét cũ dấu xưa]

Xem chương trình Tôi yêu Bình Dương tập 52: Chợ Búng-Tìm về nét cũ dấu xưa, tôi rất vui vì có nhiều người cùng suy nghĩ giống như tôi, cùng mong muốn lưu giữ những giá trị văn hóa ở các ngôi chợ truyền thống như chợ Búng. 

Thật ra, nhiều người đi chợ không chỉ để mua, để bán mà còn để gặp gỡ làm quen, chia sẻ với nhau về gia đình, cuộc sống. Cho nên mỗi dịp cuối tuần, dạo một vòng các ngôi chợ với tôi là một thú vui, đôi khi là hạnh phúc nếu may mắn gặp được người đồng điệu cùng sở thích, cùng quan điểm với mình.

Công Luận

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=3030
Quay lên trên