Anh
Trần Văn Minh, chồng chị Nhàn có vẻ ít nói và hiền lành. Chuyện trò với các
thành viên của GĐ khác hay trả lời phỏng
vấn anh Minh đều “nhường” cho vợ. Theo chị Nhàn, cả hai anh chị đều làm công
nhân cao su. Họ luôn cần cù, siêng năng để xây dựng cuộc sống thật sung túc, đầm
ấm. Hơn thế nữa, theo chị không có gì quý giá cho con bằng ba mẹ xây dựng được
một tổ ấm hạnh phúc. Đó cũng là nền tảng để giáo dục con thật tốt.
GĐ anh Minh - chị Nhàn
Là công nhân cạo mủ nên anh chị đi làm từ khuya. Không có ba mẹ ở nhà, hai đứa con của anh chị được ba mẹ tập cho tính tự lập từ nhỏ. Sáng ngủ dậy, hai anh em tự lấy đồ ăn sáng (mẹ đã chuẩn bị sẵn) ăn xong đến trường. Trưa về, hai anh em lại tự lo cho mình từ ăn uống, ngủ trưa rồi học bài chứ không đợi ba mẹ chỉ bảo. Chị Nhàn nói: “Có khi việc nhiều, quá trưa mới về nên không lo được cơm nước cho con như nhiều GĐ khác. Thế nên, thường là chị lo sơ chế thức ăn cho con từ chiều hôm trước để con có thể nấu nồi cơm, hâm lại thức ăn là có một bữa cơm đầy đủ dưỡng chất”. Biết hoàn cảnh của ba mẹ phải đi làm vất vả nên hai đứa con chị rất ngoan. Anh em bảo ban nhau học hành, nghe lời ba mẹ chứ không ham chơi, lười biếng... Chị Nhàn chia sẻ thêm.
Ngoài công việc ở nông trường và làm tròn vai trò nội tướng của GĐ, chị Nhàn còn là một “cây văn nghệ” rất nhiệt tình với giọng ca cải lương ngọt ngào, mùi mẫn. Chị rất vui khi có dịp đem tiếng hát của mình phục vụ bạn bè, đồng nghiệp để họ vơi bớt nhọc nhằn sau giờ làm việc. Nhiệt tình tham gia các phong trào ở địa phương còn là cách để chị giao lưu, học hỏi với mọi người, học cách chăm sóc, nuôi dạy con thật tốt.
Vui vẻ, yêu đời và làm cho không khí GĐ luôn đầm ấm là “nhiệm vụ” của người vợ, người mẹ. Để được như thế cần sự giúp đỡ rất nhiều từ người chồng, luôn yêu thương chăm sóc vợ con. Chị Nhàn cũng không tiếc lời khen chồng như thế.
HƯƠNG CẦN