Nhiều bà nội trợ tại Dĩ An hiện nay đã tranh thủ chút thời gian buổi sáng, thậm chí khi trời còn chưa tỏ mặt người tìm đến chợ đầu mối Tam Bình (Thủ Đức) để mua thực phẩm với giá khá rẻ.
Ở chợ đầu mối giờ đây la liệt những quầy hàng nhỏ được người bày bán cả hai bên lối đi. Cách làm này không chỉ để tiếp cận với những người chuyên nhập rau xanh, thực phẩm cho các chợ nhỏ quanh đó, mà còn nhằm đáp ứng nhu cầu mua lẻ của một bộ phận đang ngày càng đông đúc người nội trợ muốn tiết kiệm chi tiêu.
Theo Ban quản lý chợ, doanh thu bán lẻ tại chợ đầu mối hiện nay tăng cao nhờ lượng khách mua lẻ đến chợ ngày một đông. Một số chủ sạp kinh doanh cho biết, họ bán buôn là chủ yếu nhưng giờ bán lẻ cũng không hề thua kém, thậm chí những ngày cuối tuần lượng người mua lẻ đông, lượng hàng bán lẻ tương đương với lượng hàng bán buôn.
Tính cụ thể, nếu bán lẻ tại các chợ đầu mối với giá được cho là “bèo”, số tiền lãi mà người bán rau thu được vẫn gấp đôi, gấp ba so với chấp nhận “bán tống, bán tháo” cho người bán buôn. Bởi mặc dù giá mua lẻ ở chợ đầu mối đắt hơn so với mua buôn, nhưng lại rẻ hơn nhiều so với mua lẻ tại các chợ hàng ngày. Không khó khăn gì để mua một số loại rau xanh chỉ với vài chục nghàn đồng trong tay. Vì thế nên đã “hút” được nhiều khách hàng trong thời “bão giá”. “Mua ở chợ lẻ, cải xà lách rẻ lắm cũng 5.000 đồng/bó. Trong khi đó, tại chợ đầu mối, 20.000 đồng cho một chục gồm 12 bó cải. Các món hàng khác, giá ở chợ sỉ rẻ hơn gần một nửa so chợ lẻ, tính ra mỗi tháng cũng tiết kiệm được vài trăm ngàn”, chị Thủy ở khu vực ga Sóng Thần, Dĩ An chia sẻ.
Đến mua lẻ tại các chợ đầu mối không chỉ có người dân ở xung quanh chợ mà có cả những người cách chợ từ 3 đến 4km. Đặc biệt, tại chợ Tam Bình, đông đảo trong số này là sinh viên trọ học ở cụm các trường trong khu vực Đại học Quốc gia. Nhóm sinh viên trường Đại học Thể dục Thể thao, làm bài toán: “Từ ngày giá cả leo thang, bọn em không dám đi chợ cóc gần ký túc xá nữa. Đi xe bus từ trường lên chợ tốn vé là 4.000 đồng, nhưng đi chợ cho cả phòng lại tiết kiệm đến 50.000 đồng so mua ở chợ gần ký túc xá. Như thế cũng bớt được một khoản tiền lớn cho chuyện ăn học”.
Chợ đầu mối thường họp từ 12 giờ đêm đến 6 giờ sáng nhưng tầm nào khách đến mua cũng đông. Trước 3 giờ bán cho khách mua buôn về bán lại tại các chợ cóc, sau 3 giờ là bán lẻ cho người dân. Người bán đã đông, còn người mua cũng tấp nập không kém, các bà nội trợ cũng không ngại chen chúc nhau để có được mớ rau, củ hành tươi nhất với giá rẻ nhất thời giá cả tăng cao...
CAO TRÍ