Chợ đêm sớm mai

Cập nhật: 07-08-2010 | 00:00:00

Tôi nghe “chợ âm phủ” từ lâu, nhưng mãi đêm nay mới có dịp đi xem. Một rưỡi đêm, tôi túc tắc đạp xe xuống chợ. Trời mưa, ảnh hưởng cơn bão Côn Sơn - bão số một - đang đổ vào Bắc bộ. Tivi nói còn sáu ngư dân Quảng Ngãi bị trôi dạt ngoài Hoàng Sa chưa tìm thấy. Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

 Vòng quanh khu chợ chưa thấy “ma” nào, tôi ghé quán ăn gọi một bát miến gà. Khách quán đã vãn. Mấy chàng thanh niên đang lôi nhau ra khỏi bàn rượu. Một gã mềm oặt như cuống rau héo, được bế lên xe máy, xuyên vào màn đêm.

Hai giờ sáng, tôi ra chờ dưới mái hiên của ngôi nhà “cửa hàng điện máy” cũ. Tivi đặt trong nhà đang oang oang phát lại chương trình World Cup 2010, trận đấu tranh giải ba giữa Đức và Uruguay. Một lát, có cô gái chạy xe máy đến, rau ngất ngưởng, rà sát vào chân tường rào của khu nhà “bách hóa” cũ, nay được phá đi, đang xây dựng trung tâm thương mại thị xã, dân gọi tắt là siêu thị. Cô vội vã trải ba bốn cái vỏ bao tải thành một dãy và đặt gạch lên. Gió từ sông Lô cồn cào thổi, vo viên những cái bao tải ấy lại.

Tôi sực nhớ cảnh xếp hàng thời bao cấp ở chỗ này, mấy chục năm rồi, thế mà vẫn còn “di truyền” đến hôm nay. Khoảng mươi phút sau đã có hàng đàn xe máy vè vè rà đến, mấy cô bạn hồ hởi ghé chỗ đã được xí phần. Chỉ khoảng nửa giờ tôi đếm được chục cái xe máy chở rau ngót, xếp hàng ngay ngắn, khít khao bên nhau.

Các bà, các cô lai sau xe đạp những cái rổ sề thì xếp hàng bên mé đường Chiến Thắng Sông Lô. Một bà bày rổ mướp bên đường, rồi trải miếng nilông lên vỉa hè “điện máy” ngả lưng, nói chuyện với bà bạn:

- Con gái nhà tôi tốt nghiệp đại học ngoại ngữ mà chưa xin được việc.

- Nghe nói phải chạy một trăm triệu đồng.

- Năm ngoái chạy trăm tư, nhưng chả tin tưởng lắm, phải rút về.

- Có “dây” thì chỉ tốn dăm, sáu chục triệu thôi, nhưng khó lắm.

- Tôi thì lại huyết áp cao, những trăm bảy, lại còn tiểu đường, vôi hóa cột sống nữa. Mà mỗi ngày chỉ kiếm được bốn, năm chục nghìn đồng.

- Cái lão nhà em thế mà sướng, chỉ việc kéo xe. Em thì thức đến mười hai giờ đêm nhặt rau. Có đêm mẹ chồng hiện về khen rằng đảm. Nhưng mà cực, chợp mắt được hơn một tiếng, rồi lại phụ đẩy xe ra đây.

Ba giờ sáng, có chiếc xe máy kéo xe cải tiến bánh lốp chở rau vào ngã ba. Một lát, chiếc xe ôtô mười sáu chỗ ngồi cũng rà sát, mấy người húm lại bốc rau lên. “Đi Hà Giang đấy”. Trăm rưỡi cây số, chắc sáu giờ sáng là xuống hàng ở chợ Yên Biên. Tôi để ý thấy hàng mướp chở đi Hà Giang, quả nào cũng thẳng thớm và được cuốn trong một miếng giấy báo. Còn chỗ mướp bán “nội địa” thì cứ cong như ngà voi, bày chềnh ềnh trên rổ.

Một ông lai xe đạp mấy rổ rau ra chợ cho vợ. Mấy bà ghen tị:

- Chỉ có ông là chiều, chả bù cho ông nhà tôi.

- Bà nhà tôi bị sưng khớp cổ chân, đi lại còn chửa rồi, làm sao lai nổi xe rau.

- Đã đi viện khám chưa?

- Chiếu chụp cả rồi, sai khớp.

Mấy chiếc ôtô mang biển 89K cũng chở dưa hấu vào khu vực nền nhà cơ quan công an thị xã cũ. Tôi khóa xe đạp, đội mưa sang xem thấy cơ man nào là dưa hấu, trám, dưa chuột, măng củ, riềng, chanh, bầu...

Ở chợ này người ta quen biết nhau thì phải, có ai chở hàng đến hoặc ra mua hàng là cả bọn gọi ầm lên, nào Nhân, nào Thúy, nào Hà... Ơ cái nhà cô Hà, hình như cô đi làm ôsin bên Đài Loan lần thứ hai cơ mà. Nhớ lại sáu bảy năm trước, cô đi xuất ngoại để lại đứa con gái mới vào lớp một. Một hôm, tôi mở thùng thư báo thấy có tờ bìa sách giáo khoa rơi ra, có mấy chữ viết bút chì nguệch ngoạc: “Mẹ ơi, con nhớ mẹ lắm”.

Thì ra con bé tưởng đấy là thùng thư bưu điện và cứ bỏ “thư” vào đó là tự nhiên nỗi nhớ thương được chuyển đến mẹ nó!

Bốn rưỡi, lác đác mấy ông mặc áo màu ghi, đeo hàm tím có hai vạch ngang xuất hiện. Băng đỏ trên cánh tay mang dòng chữ: “Hội CCB, P. Tân Quang. Tổ bảo vệ chợ”. Tôi khẽ hỏi bà bán mướp:

- Có phải nộp thuế không?

- Nghìn một chỗ.

Lúc này tôi muốn dắt xe đạp ra, nhưng các hàng rau, quả đã xếp kín vỉa hè rồi. Nhắm một cô rau ngót chưa bán được hàng, tôi đến hỏi:

- Có bán lẻ không? Bao nhiêu?

- Có ạ, một nghìn.

- Hai mớ. Rau nhà hay cất?

- Rau nhà, chỗ bọn cháu nhà nào cũng trồng hàng mẫu.

- Mỗi xe được bao nhiêu mớ?

- Hai trăm rưỡi.

Thì ra các cô này ở xóm Cao Lan, nếu bán hết cũng được hai trăm năm mươi ngàn đồng. Mười xe rau ngót là hai ngàn rưỡi mớ. Dân thị xã mỗi ngày ăn hết hai ngàn rưỡi mớ rau ngót, chi ra năm triệu. Thế là các bà, các cô buôn đầu chợ, bán cuối chợ được lãi một nửa, công lao phân phối lại hàng hóa. Tôi nhẩm tính, theo kiểu tính cua trong lỗ như vậy.

Chợ đã nườm nượp những người là người. Người bán, người mua hầu hết là phụ nữ, chỉ lác đác dăm ba người đàn ông. Không thể gọi là “chợ âm phủ” được, phải gọi là chợ đêm. Chợ của những người tần tảo đêm hôm, vì chồng con, vì miếng cơm manh áo. Chợ đêm họp đến sớm mai thì tan. Chợ họp ngay trên đoạn đường Chiến Thắng Sông Lô, từ “bách hóa” đến cổng chợ Tam Cờ và ngã ba Xã Tắc, tràn ra tận bờ sông, chỗ bến co-le.

Ngó thấy trên cột điện có treo tấm panô nền đỏ chữ vàng: “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc!”.

Tôi đạp xe về, trời vẫn mưa. Nghe loa công cộng, Đài Tiếng nói VN báo tin cơn bão số một đã giảm, chuyển thành áp thấp nhiệt đới. Vòng qua sân vận động đang được ủi thành quảng trường để chuẩn bị mittinh chào mừng thị xã lên thành phố.

Công nhân công trình đô thị đã lục tục đẩy xe quét rác.

Sớm mai, ngày mới bắt đầu.

Tuyên Quang, 18-7-2010

VŨ XUÂN TỬU (Theo Tuổi Trẻ)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên