Hơn 10 ngày gần đây, trên đại lộ Bình Dương, đoạn gần ngã tư Địa chất xuất hiện 2 điểm họp chợ, mua bán động vật hoang dã như thách thức các cơ quan chức năng và những người yêu mến thiên nhiên...
Bà chủ và những lô hàng "độc" Hoạt động có quy mô lớn nhất là điểm mua bán của một phụ nữ tự giới thiệu “quê ở miền Tây”. Tại đây, bày bán công khai hàng trăm con rắn các loại, từ rắn trun, rắn hổ hành, rắn hổ ngựa, rắn hổ mang... Giá các loại rắn ở đây khá đa dạng, từ 50.000 - 60.000 đồng/kg rắn trun cho đến 150.000 hoặc 200.000 đồng kg/rắn hổ hành. Đây cũng là 2 mặt hàng được các khách săn đón nhiều nhất. Quan sát trong khoảng thời gian ngắn , chúng tôi được biết bà chủ này đã bán được khoảng 3kg rắn.
Ngoài rắn, tụ điểm mua bán động vật hoang dã trái phép này còn có những món “hàng độc” khác. Đó là gần trăm con kỳ tôm (tên khoa học là Physignathus cocincinus) được nhốt trong chiếc lồng lưới mắt cáo. Kỳ tôm là loài có tên trong sách đỏ Việt Nam (trang 154), theo đánh giá, kỳ tôm đang bị đe dọa (bậc V) do bị săn bắt làm thực phẩm, cần phải có biện pháp bảo vệ. Bà chủ điểm mua bán này quảng cáo: “Mua kỳ tôm đi em, con này nấu cháo hay nướng muối ớt ngon tuyệt. Hàng đặc sản đấy! Mua đi, chị chỉ lấy 220.000 đồng/kg thôi”.
Một mặt hàng “độc” được bà chủ tích cực giới thiệu là các loại chim quý hiếm như chàng nghịch, le le, cúm núm nằm đầy ắp trong lòng lưới sắt. “Yên tâm, nếu không biết làm, chị sẽ làm sẵn cho. Về nhà, em chỉ việc chặt ra nấu canh bầu hoặc bằm nấu cháo cù lao. Con này làm thuốc và bổ lắm đó!”. Như để tăng thêm sức nặng cho lời quảng cáo, bà chủ này kêu người giúp việc bê ra nguyên thau chim đã vặt trụi lông, đang chờ giao cho khách đến lấy. Quan sát nhanh, chúng tôi nhận thấy, kề bên thau chim đã sơ chế là một con rắn trun đã chết tự bao giờ, đang nằm trên nóc lồng chim, bị ruồi nhặng bu vào. Một vài chú chim có lẽ do quá đói hay gặp món mồi ưa thích, liền đưa mỏ mổ vào xác rắn thối. Đó là chưa kể, xung quanh tụ điểm mua bán động vật hoang dã tự phát này có nhiều rác rưởi, người dân vứt xác động vật chết, nước thải từ nhà hàng, quán ăn lân cận xả xuống nên khá ô nhiễm. Liệu những món rắn, chim, kỳ tôm được sơ chế vội vã tại nơi đây có bảo đảm được vệ sinh và an toàn cho sức khỏe các thực khách?
Tụ điểm này hoạt động rất mạnh, thu hút khá đông khách đến xem và mua. Một vị khách đặt vấn đề muốn mua rắn hổ mang chúa, hay các loại “hàng độc” hơn, như tê tê, trút, nhím thì bà chủ liền gật đầu, khẳng định: “Mấy loại đó có đủ hết, nhưng không dám bày bán ở đây. Loại này bày bán vừa không an toàn (?), vừa đắt tiền, nên chỉ có ai đặt mua mới giao hàng”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tụ điểm bán động vật hoang dã tự phát này thu mua chim, rắn, chuột... các loại từ các tỉnh miền Tây như An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh. Đối với mặt hàng kỳ tôm, kỳ đà, rắn hổ mang chúa, rắn cạp nia... được săn lùng từ các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh... Hàng được gom từ các xe máy hoặc xe tải, sau đó bỏ mối cho các điểm bán động vật hoang dã tự phát ở quận 7, quận 12, Đồng Nai và Bình Dương. Theo ghi nhận của chúng tôi, ngoài điểm bán tại ngã tư Địa chất, tại các khu vực Lái Thiêu, Vĩnh Phú (huyện Thuận An) và Thích Quảng Đức, trước các chợ công nhân tự phát ở TX.TDM cũng xuất hiện mua bán động vật hoang dã công khai. Đáng chú ý, tình trạng mua bán này tồn tại đã lâu, nhưng chẳng thấy sự can thiệp của các cơ quan chức năng?
LONG VĨNH