Chỗ dựa của những người bị phơi nhiễm

Cập nhật: 10-11-2012 | 00:00:00

Sau 5 năm đi vào hoạt động, mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/ dioxin đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, trở thành mái nhà chung, chỗ dựa vật chất và tinh thần cho những nạn nhân CĐDC.

Nỗi đau không của riêng ai

Chứng kiến những nỗi đau da cam, bác sĩ Phạm Ngọc Thái, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh chia sẻ: Những nạn nhân da cam không chỉ gặp khó khăn về vật chất, mà chính là nỗi đau về thể xác, tinh thần. Những con người què quặt, dị dạng, những đôi mắt ngây dại... là nỗi đau chung của chúng ta. Đã hơn 50 năm sau ngày xảy ra thảm họa da cam ở Việt Nam, nhưng hậu quả nặng nề vẫn còn đó. CĐDC đã gây nên biết bao đau khổ cho người dân Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng. Theo điều tra, hiện ở Bình Dương có 5.214 nạn nhân CĐDC. Trong đó, một gia đình có đến 7 đứa con bị nhiễm CĐDC, 9 gia đình có 4 con bị nhiễm, 14 gia đình có 3 con bị nhiễm và 1.195 gia đình có 2 con bị nhiễm. Tới thời điểm này, chỉ có 919 nạn nhân được hưởng chế độ chính sách của tỉnh. Số còn lại đang tiếp tục làm thủ tục.

 Nạn nhân CĐDC rất cần sự sẻ chia của cộng đồng Nhìn đứa con không bao giờ lớn của mình, ông Nguyễn Quang Trung ở phường Bình Hòa (TX.Thuận An) không khỏi ngậm ngùi. Bởi con ông, anh Nguyễn Thanh Bình, sinh năm 1986 do ảnh hưởng của CĐDC nên bị thiểu năng trí tuệ, chân tay teo tóp... ông Trung chia sẻ: “Nhìn đứa con thơ không phát triển bình thường, người làm cha như tôi đâu thể yên lòng. Không biết, cuộc đời của nó sẽ kéo dài tới đâu, sau này ai sẽ chăm lo cho nó”. Hay như cô bé Huỳnh Thị Hà Xuyên ở xã Tân Bình (Tân Uyên) có cơ thể tí hon, ước mơ trở thành nữ đồ họa để lo cho cha mẹ, cho em và những người nghèo cùng cảnh ngộ. Tuy nhiên, ước mơ đó có thành hiện thực hay không khi bản thân em phải bò lết trên nền nhà vì không thể đi lại, không tự chăm sóc bản thân được.

Mái nhà chung cho nạn nhân CĐDC

Để góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, thời gian qua, Hội Nạn nhân CĐDC/ dioxin đã có nhiều hoạt động ý nghĩa. Đó là vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp… xây tặng nhà đại đoàn kết cho nạn nhân da cam; tổ chức đi thăm, tặng quà cho Nạn nhân CĐDC vào dịp Tết Nguyên đán và ngày 10-8 hàng năm… Mặc dù đã đạt được kết quả bước đầu nhưng nhiệm vụ của hội còn rất nặng nề. Trở thành mái nhà chung, là chỗ dựa vững chắc của nạn nhân CĐDC là điều mà những người có trách nhiệm đang hướng tới. Bác sĩ Phạm Ngọc Thái cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là xây dựng, phát triển và tổ chức hội vững mạnh. Cụ thể, trong nhiệm kỳ tới, hội phấn đấu thành lập hội ở 100% xã, phường đủ điều kiện; gắn chặt giữa công tác phát triển với củng cố, nâng cao chất lượng của các cấp hội. Để chăm lo nạn nhân CĐDC ngày càng tốt hơn, hội cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động trong các tổ chức kinh tế - xã hội, các tổ chức nghề nghiệp, các tổ chức tôn giáo và tầng lớp nhân dân tham gia ủng hộ Quỹ Nạn nhân CĐDC/dioxin. Đặc biệt công tác chăm sóc giúp đỡ nạn nhân luôn được quan tâm. Bên cạnh các chế độ chính sách của Nhà nước, các cấp hội còn có chương trình giúp đỡ nạn nhân CĐDC như chương trình xây dựng, sửa chữa nhà ở cho nạn nhân; chương trình hỗ trợ, giúp vốn cho nạn nhân sản xuất ổn định cuộc sống; đồng thời nghiên cứu, mở rộng nhiều hình thức giúp đỡ khác.

Nạn nhân CĐDC đang chịu rất nhiều thiệt thòi - họ đau cả nỗi đau thể xác lẫn tinh thần, họ luôn mong muốn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Đồng thời tự mình phấn đấu vươn lên để hòa nhập cộng đồng.

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=294
Quay lên trên