Tình trạng lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán, họp chợ gây ùn tắc và tai nạn giao thông trên quốc lộ 13 (thuộc các địa bàn TX.Thuận An, TX.Thủ Dầu Một và huyện Bến Cát) đang là vấn đề bức xúc. Không chỉ có việc chiếm dụng vỉa hè, tại nhiều chợ tự phát trên quốc lộ 13 còn lấn chiếm lòng đường để bán hàng, dừng đỗ xe để mua hàng... thậm chí người ăn xin “tràn” xuống cả lòng đường để xin tiền.
Ùn tắc trước cổng khu công nghiệp
Vào sáng sớm, trước cổng Khu công nghiệp (KCN) Việt Nam - Singapore 1 trên quốc lộ 13 thuộc địa phận phường Thuận Giao, TX.Thuận An thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, gây bức xúc cho người đi đường. Khoảng 6 giờ sáng, theo hướng đi từ TX.TDM về TP.HCM về phía bên tay phải, hàng ngày, chúng tôi thường thấy những người bán hàng rong... “vây ráp” trước cổng KCN kéo dài cả cây số. Ban đầu, chỉ có ít người đi xe máy ghé vào mua một vài món đồ ăn sáng, nhưng sau đó từng tốp công nhân, người đi bộ, người đi xe đạp, xe máy... dừng lại mua tấp nập, cộng thêm dòng xe nườm nượp qua lại... làm cho tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng. Chị Nguyễn Thị Lan, công nhân Công ty TNHH Pracking JS bức xúc nói: “Tình trạng ùn tắc giao thông như thế này diễn ra từ rất lâu rồi. Chúng em cố gắng đi làm sớm hơn mọi ngày 30 phút nhưng vẫn bị kẹt xe và trễ giờ làm. Làm sao giảm ùn tắc? Chúng em chỉ mong cơ quan chức năng tính toán để sớm giải quyết dứt điểm”.
Cảnh mua bán hàng trên quốc lộ 13, trước cổng KCN VSIP 1Tìm hiểu thực trạng này, sau khi quan sát, chúng tôi thấy vào buổi sáng hay buổi chiều, lực lượng thanh niên xung phong đều có mặt để làm nhiệm vụ hướng dẫn và điều tiết giao thông ở trước cổng KCN. Thế nhưng, số lượng công nhân đi bộ và đi xe đạp qua khu vực này quá đông, nên khi họ lưu thông chiếm mất nhiều thời gian đèn xanh và đèn đỏ. Đã vậy, các loại xe tải lớn, xe buýt qua lại nhiều cũng làm cản trở lưu thông. Đó là chưa kể đến người ăn xin hay đứng ngay tại cột đèn tín hiệu giao thông để... xin ăn. Một số người dân ở đây, cho biết những người ăn xin được những người đi xe máy chở đến từ TP.HCM hoặc từ Biên Hòa qua. Họ đến trước một tiếng đồng hồ vào buổi sáng để xin tiền, sau đó có người chở họ đến địa điểm khác tiếp tục hành nghề của mình.
Nhiều chợ tự phát... lấn đường
Không chỉ có một nơi mà dọc theo quốc lộ 13 từ TX.Thuận An về huyện Bến Cát cũng có hàng chục điểm chợ tự phát lấn đường quốc lộ. Ngang nhiên hơn là vào buổi chiều, khu vực ấp Tây, phường Vĩnh Phú chợ lấn... ra gần như giữa đường. Từng đoàn xe chạy qua đây bấm còi inh ỏi nhưng hầu như những người mua, người bán không chú ý đến. Hay khu vực trước cổng KCN Việt Hương và Suối Cát (phường Thuận Giao) thường xuyên lấn chiếm lòng lề đường, bày bán hàng rong kéo dài trên đường sang cả địa phận phường Phú Hòa (TX.TDM). Ngoài ra, nhiều điểm mua bán tự phát... ngang nhiên trở thành chợ như trước Trạm thu phí Suối Giữa; trước cổng Công ty TNHH Precious Garmenst Việt Nam, khu vực ngã tư Sở Sao (xã Định Hòa, TX.TDM), trước cổng KCN Tân Định và khu vực ngã ba chợ Trừ Văn Thố (xã Trừ Văn Thố, Bến Cát)... Những chợ tự phát này không chỉ lấn chiếm lòng lề đường, cản trở giao thông, thậm chí còn gây tai nạn giao thông cho người đi đường...
Người ăn xin lê la trên đường Địa phương nói gì?
Tình trạng chợ... lấn đường, lấn vỉa hè xảy ra dọc trên quốc lộ 13 đã gây bức xúc không chỉ người đi đường mà cả người dân địa phương. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch UBND phường Thuận Giao trăn trở: “Tình hình họp chợ, mua bán hàng rong trên địa bàn phường Thuận Giao cũng như trên quốc lộ 13 có liên quan rất nhiều đến tình hình lao động nhập cư. Chúng tôi đã thống kê trong số hơn 80.000 nhân khẩu, thì lao động nhập cư chiếm đa số; trong đó có 20% dân số (khoảng 16.000 người) không có việc làm ổn định và 10% là bán hàng rong.
“Từ trước đến nay, chúng tôi quyết liệt giải tỏa nạn lấn chiếm lòng lề đường, nhưng gặp không ít khó khăn. Bởi đa phần người bán hàng rong đều không có địa chỉ cố định, nay ở chỗ này, mai ở chỗ khác” - ông Trung cho biết thêm là việc xử phạt đối với những trường hợp buôn bán lấn chiếm lòng lề đường chỉ dừng lại ở việc lập biên bản, nhắc nhở nên chưa thực sự nghiêm minh. Vả lại, lực lượng chức năng cũng không nỡ tịch thu phương tiện hay hàng hóa của họ... Chính vì thế, tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường ngang nhiên diễn ra và thậm chí về lâu thành “nếp”...
Bình Dương là tỉnh có đông lao động ngoài tỉnh đến làm ăn, sinh sống. Việc các cấp chính quyền tạo điều kiện thuận lợi cho người dân kinh doanh buôn bán đúng luật và sinh sống bằng chính sức lao động của mình là điều đáng hoan nghênh. Bên cạnh đó cần có các biện pháp thích hợp để xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm buôn bán lấn chiếm lòng lề đường nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên quốc lộ 13, góp phần đem lại bộ mặt mỹ quan cho đô thị.
ĐỖ TRƯỜNG