(BDO) Đó là một trong những nội dung của Chỉ thị số 18/CT-UBND vừa được UBND tỉnh ban hành về việc “Tăng cường các biện pháp quản lý chó nuôi trên địa bàn tỉnh Bình Dương”.
Chó nuôi thả rông trong khu dân cư (ảnh minh họa)
Theo đó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị, thành phố chỉ đạo rà soát, thống kê, lập sổ theo dõi hộ nuôi chó và số chó nuôi trong từng hộ gia đình nhằm hỗ trợ công tác tiêm phòng vắc xin bệnh Dại trên đàn chó; tăng cường áp dụng biện pháp chế tài các trường hợp nuôi chó thả rông, để chó nuôi gây thiệt hại tài sản cho người khác… Trường hợp hộ nuôi chó không chấp hành lấy mẫu để kiểm tra, xét nghiệm chẩn đoán bệnh; không tiêm phòng vắc xin bệnh Dại; không đeo rọ mõn cho chó hoặc không xích giữ chó; không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng thì xử phạt theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP về Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y.
Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn có nhiệm vụ hướng dẫn cụ thể các địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện để thuận lợi trong việc rà soát, thống kê đàn chó nuôi định kỳ hàng năm; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong quá trình nuôi chó theo quy định hiện hành. Các sở, ngành, cơ quan báo chí trong tỉnh tuyên truyền sâu rộng tác hại của việc thả rông chó nuôi gây ra cho cộng đồng và môi trường.
Năm 2018 toàn tỉnh có trên 15.000 lượt người bị chó cắn phải điều trị dự phòng. Tại các cuộc tiếp xúc với đại biểu HĐND các cấp, cử tri cũng đã nhiều lần nêu ý kiến về việc nuôi chó thả rông gây ô nhiễm môi trường.
THIÊN LÝ