Chợ tết công nhân bắt đầu nhộn nhịp

Cập nhật: 26-01-2022 | 04:36:28

 Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang đến rất gần, đây là mùa cao điểm bán hàng tết, hoạt động mua sắm trở nên náo nhiệt. Chúng tôi vừa có dịp dạo quanh các chợ phục vụ nhu cầu của công nhân lao động (CNLĐ) tại các khu công nghiệp (KCN), dù ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng không khí mua sắm năm nay cũng khá tấp nập.

 Chợ đêm Việt Sing (khu dân cư Việt Sing) trở nên sôi nổi hơn trong những ngày giáp tết

 Sôi động vào ban đêm

19 giờ tối, tại hầu hết các chợ tập trung nhiều CNLĐ, khi ánh đèn đường chiếu sáng khắp nơi là thời điểm hoạt động mua sắm bắt đầu diễn ra sôi nổi và thường tan dần vào lúc 21 giờ 30 phút. Với nhiều CNLĐ họ thường tranh thủ đi chợ vào lúc đầu giờ tối hoặc ngày chủ nhật. Chợ Việt Sing, phường An Phú, TP.Thuận An, nổi tiếng là “thiên đường” mua sắm của giới công nhân, chủ yếu làm việc tại KCN VSIP I. 19 giờ tối, không khí bắt đầu náo nhiệt bởi cảnh tấp nập người mua, người bán, tiếng loa rao bán hàng... đã xóa tan bầu không khí ảm đạm, vắng vẻ của ban ngày. Tiểu thương ở khu chợ này cả ngày chỉ mong chờ ánh chiều vụt tắt để chào đón “thời điểm vàng” bởi sức mua lớn nhất trong ngày.

Tại đây, các cửa hàng, sạp hàng rực rỡ dưới ánh đèn điện, với đủ các mặt hàng từ thời trang, mỹ phẩm đến hàng gia dụng... Đông đảo CNLĐ đổ về khu vực chợ đêm này khiến nhân viên trông xe tại các shop tất bật hướng dẫn, dắt xe cho khách liên tục. Đông nhất vẫn là các cửa hàng quần áo, một số cửa hàng khách phải xếp hàng chờ đến lượt để đợi thanh toán. Chị Bùi Lan Anh, quản lý một cửa hàng thời trang trẻ em vừa hối hả tính tiền cho khách vừa nói: “So với mọi năm, số lượng khách hàng của tôi không thay đổi, chỉ giảm bớt số tiền và lượng hàng hóa. Mọi năm khách mua tổng đơn hàng khoảng 1 triệu đồng tiền hàng thì năm nay giảm xuống chỉ còn 500 - 600.000 đồng”.

Tiếp tục tham quan tại chợ Thông Dụng (phường An Phú, TP.Thuận An), người mua sắm chủ yếu là CNLĐ tại khu sản xuất An Phú. Khách hàng tập trung chủ yếu vào các gian hàng giày dép, ba lô, túi xách... Chị Nguyễn Hà Xuyên, chuyên bán ba lô, túi xách 10 năm nay ở chợ Thông Dụng, tâm sự: “Mọi năm, thời điểm này công nhân thường mua ba lô để về quê ăn tết nên hàng bán rất chạy. Khi đó tôi bán đến 12 giờ khuya chưa hết khách, năm nay 21 giờ là vắng hoe. Sức mua giảm nên năm nay tôi nhập ít hàng, hơn nữa hàng tồn vẫn còn nhiều”.

Theo Ban Quản lý tại các chợ gần các KCN trên địa bàn tỉnh, nhìn chung năm nay so với mọi năm sức mua cũng như cơ sở bán hàng tại các chợ giảm đáng kể. Chợ Việt Lập (phường An Bình, TP.Dĩ An) trước đây có khoảng hơn 100 tiểu thương buôn bán các mặt hàng thời trang như quần áo, giày dép. Tuy nhiên, năm nay số lượng chỉ còn dưới 40 tiểu thương. Bà Nguyễn Thị Liên, tiểu thương bán giày dép tại chợ, cho biết: “Do CNLĐ về quê trong đợt dịch bệnh vừa rồi khá đông nên năm nay lượng người mua sắm vắng hơn. Buổi tối mới bắt đầu nhộn nhịp nhưng khá nhiều người chỉ đến xem xong rồi thôi”.

Có thể nhận thấy, tại các chợ công nhân những ngày cận tết, không khí mua sắm đang dần trở nên sôi động hơn. Tuy rằng, sức mua lượng bán, người tham quan không được náo nhiệt so với những năm về trước nhưng so với thời điểm phải đóng cửa hay hoạt động “dè dặt” vì dịch bệnh thì đây là tín hiệu cho những cái tết tiếp theo sẽ khởi sắc hơn, tốt đẹp hơn.

Công nhân chắt chiu, tiểu thương đồng cảm

Chị Lê Thị Hồng, công nhân quê ở Kiên Giang đang say sưa lựa chọn quần áo trẻ em, tay mân mê những chiếc đầm xinh xắn. Sau một hồi nâng lên đặt xuống, chị chọn được một chiếc đầm màu hồng và một bộ quần áo. Khuôn mặt phấn chấn, chị ngập ngừng tâm sự: “Do khó khăn nên vợ chồng tôi đành gửi con ở quê nhờ bà ngoại chăm sóc. Tết này, chúng tôi cố gắng dành dụm tiền để về thăm con và chỉ dám mua những đồ thật sự cần thiết. Chiếc đầm là mua cho con diện tết, ba mẹ đi làm xa cả năm có quà mang về con cũng đỡ tủi thân”.

Còn chị Nguyễn Ngọc Thoa, quê ở Sóc Trăng cẩn thận lựa chọn vài hộp bánh, cà phê để tết này đem về quê. Chị nói: “Ba tôi đã mất, giờ ở quê chỉ còn mẹ và người em trai. Nơi tôi ở rất xa chợ, mua bán không thuận tiện nên sẵn tiện mua đem về dịp tết”. Một số công nhân lại cho rằng, quê mình tuy không thiếu bánh trái nhưng quà ở xa đem về mới quý.

Nhìn chung, CNLĐ tại các KCN khi mua sắm tết cho bản thân và gia đình đều đắn đo, cân nhắc phù hợp với thu nhập. Nắm bắt được hoàn cảnh, tâm lý nên nhiều tiểu thương tại đây đều bán các mặt hàng giá rẻ, phù hợp túi tiền. Chỉ với 35.000 - 50.000 đồng là có thể mua được 1 chiếc áo hay 1 đôi dép, hơn 100.000 đồng có thể mua được 1 chiếc đầm hoặc bộ quần áo.

Chị Bùi Thị Hồng, bán hàng tạp hóa tại chợ Khánh Bình, TX.Tân Uyên, cho biết: “Bằng giờ mọi năm cửa hàng đã ngập tràn các mặt hàng tết. Năm nay, các mặt hàng đắt tiền như bánh hộp, hạt dẻ cười, hạnh nhân, hạt bí tôi đều không lấy về vì sợ không bán được. Tôi chỉ nhập bánh kẹo bình thường, bia và nước ngọt. Thời điểm này, phần lớn CNLĐ tập trung mua sắm quần áo. Riêng mặt hàng bánh kẹo phải từ ngày 25-1 mới bán được nhiều”. Cũng theo chị Lê Thị Hương, tiểu thương bán quần áo tại chợ Đất Cuốc (xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên), năm nay chị nhập hàng ít hơn mọi năm. Gần tết, giá tại chợ đầu mối tăng nhưng chị vẫn giữ nguyên giá. Dịch bệnh khó khăn nên chị hiểu CNLĐ cũng vất vả, thu nhập không cao.

 Năm 2021, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến đời sống của CNLĐ gặp nhiều khó khăn nên việc mua sắm tết cũng phải thắt lưng buộc bụng. Nhiều công nhân cho biết họ chỉ mua những thứ thật sự cần thiết và các chợ gần các KCN là địa điểm lý tưởng bởi mặt hàng phong phú, giá lại rẻ. Nhìn chung, dù kinh tế năm nay không như ý muốn nhưng CNLĐ vẫn cố gắng sửa soạn cho một cái tết tươm tất, ấm cúng, đối với CNLĐ xa quê họ vẫn háo hức mong chờ tết đến và hướng tình cảm về quê hương, gia đình.

 TIẾN HẠNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=794
Quay lên trên