Chọn cây mít để làm giàu

Cập nhật: 21-09-2011 | 00:00:00

Trước đây, mít được xem là loại cây ăn trái trồng để “ăn chơi”, nên không được đầu tư đúng mức. Tuy nhiên hiện nay, nhiều nhà vườn đã mạnh dạn đầu tư trồng cây mít thành cây trồng chủ đạo để phát triển kinh tế gia đình và đã giàu lên từ mô hình này. Trường hợp ông Nguyễn Ngọc Hưng (ấp 5, xã An Thái, huyện Phú Giáo) là một ví dụ.  Trồng xen canh cây cao su và mít cho hiệu quả kinh tế cao

Mạnh dạn đầu tư

Rời vùng quê Hải Dương, năm 1993 ông Hưng đưa vợ con vào Bình Dương lập nghiệp. Ông làm giáo viên, vợ làm văn thư tại một cơ quan Nhà nước. Năm 2008, hai vợ chồng ông đã dành dụm số tiền lương hưu ít ỏi để mua đất làm nông nghiệp. Với bản tính cần cù, siêng năng, chịu khó học hỏi kinh nghiệm, hai vợ chồng ông đã trồng thử nghiệm rất nhiều loại cây như tiêu, điều và nuôi nhiều loại gia súc, gia cầm từ gà, vịt đến heo rừng... Tuy nhiên, những loại cây trồng, gia súc, gia cầm trên không cho năng suất cao và thường gặp rủi ro. Đang lúng túng không biết tiếp tục theo hướng nào, vô tình ông được xem chương trình “Bạn của nhà nông” trên Đài Truyền hình Việt Nam, giới thiệu về mô hình trồng mít và hiệu quả của nó mang lại. Gom hết số tiền vốn còn lại, vợ chồng ông tìm đến huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre để tìm hiểu và mua về trồng thử nghiệm.

Bà Nguyễn Thị Lan Phương (vợ ông Hưng) tâm sự: “Vốn là giáo viên, công nhân viên chức Nhà nước nên kinh nghiệm làm vườn đối với chúng tôi còn kém. Để quyết định “sống chung” với nghề nông lúc tuổi “xế chiều”, vợ chồng tôi đã phải suy nghĩ nhiều. Tuy nhiên thấy đất đai lúc này khá rẻ có thể phát triển vườn cây ăn trái, cây công nghiệp và muốn được vận động chân tay cho có sức khỏe, chúng tôi đã mạnh dạn mua đất làm nông”. Bà Phương cho biết thêm, lúc mới mang mít giống về tới nhà, nhiều người cho rằng, chúng tôi không thức thời “trồng gì không trồng lại trồng mít, có trái cũng chỉ đem cho mọi người ăn giúp, chứ ai mà mua!”. Chồng tôi đã động viên tôi, chứng minh cho mọi người thấy, cây mít mà mình chọn trong thời điểm này không sai.

Khi bắt tay vào trồng mít, vợ chồng ông không chỉ nghiên cứu qua sách, báo mà còn chịu khó đến những nơi trồng mít đạt hiệu quả cao để học hỏi kinh nghiệm. Tuy nhiên, mỗi giống mít đều có ưu điểm, khuyết điểm riêng để chọn cho được giống mít ngon, năng suất cao, chất lượng tốt, vừa ăn tươi vừa dùng để chế biến, đó mới là điều quan trọng. Bởi hiện nay, tại Việt Nam, ngoài những giống mít cao sản bản địa còn có hàng chục giống mới nhập về từ nước ngoài, “vàng thau lẫn lộn” rất khó phân biệt loại nào là ưu việt, loại nào phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng địa phương. Cuối cùng sau nhiều tháng trồng thử nghiệm các giống mít như mít nghệ cao sản, mít Thái siêu sớm (tứ quý), mít Thái da xanh, mít ruột đỏ, mít Malaysia... ông đã quyết định chọn mít Thái Changai, mít siêu sớm, mít Thái Viên Linh để sản xuất.

Cây mít không phụ lòng người

Năm 2008, vợ chồng ông trồng được 3.000 gốc mít trên tổng diện tích là 5 ha, tất cả đều phát triển rất nhanh. Theo ông Hưng, để cây mít phát triển nhanh, cho năng suất cao phải trồng theo mật độ hàng cách hàng 6m, cây cách cây 5m. Nếu đất trồng cằn cỗi nên trồng dày, đất tốt nên trồng thưa. Trồng mít theo hướng Đông Tây để mít có đủ ánh sáng. Kỹ thuật chăm sóc đơn giản, tháng đầu sau khi trồng nếu khô hạn phải tưới thường xuyên 2 - 3 ngày/lần, sau đó, có thể tưới 4 - 5 ngày/lần. Từ năm thứ hai về sau tưới cho cây vào giai đoạn mới bón phân và những tháng quá khô hạn. Mít rất sợ úng nên vào mùa mưa phải kiểm tra kênh mương cống rãnh và có kế hoạch chống úng. Mít thường gặp các loại sâu, bệnh xì mủ, bệnh nấm, khi phát hiện cây bị bệnh nên xịt thuốc phòng. Đặc biệt, cây mít không thích hợp với phân tươi nên khi sử dụng phải được ủ hoai, nếu dùng phân tươi cây sẽ bị nhiễm độc hữu cơ gây vàng lá dẫn đến chết cây.

Sau khi trồng khoảng 14 tháng, cây bắt đầu cho thu hoạch. Đến 24 tháng mỗi cây cho thu hoạch 1 lần 30kg mít với giá 10.000 đồng/kg. Trong quá trình thu hoạch mít, không chỉ những trái mít già mới bán được giá cao mà mít non cũng được thương lái thu mua với giá 4.000 đồng/kg. Bởi vậy, ngoài tiền bán mít già, những trái mít non được cắt tỉa bớt cũng cho hiệu quả kinh tế. Hiện nay, tính bình quân mỗi năm trừ đi mọi chi phí ông còn lời khoảng 500 triệu đồng. Theo ông Hưng, mít ra trái quanh năm, nhưng chỉ nên cho trái 2 vụ/năm để cây có thời gian nghỉ ngơi. Thông thường, mỗi cây cho rất nhiều trái, thậm chí cả trăm trái nhưng cần phải tỉa bỏ những trái đầu cành và trên thân cao, chỉ giữ lại những trái ôm thân và sát gốc, tối đa khoảng 15 trái/cây nếu cây dưới 4 năm tuổi. Khi cây trưởng thành, số trái có thể nâng lên nhiều hơn. Ngoài ra, sau mỗi lần hái trái, phải cắt bỏ bớt cành lá rườm rà để cây nhận đầy đủ ánh sáng giúp cho trái to và ngọt.

Không những đầu tư cho cây mít, gia đình ông còn áp dụng kỹ thuật trồng xen canh giữa cây mít và cao su, với mật độ 7 hàng cao su 1 hàng mít để cây phát triển đồng bộ, cho năng suất cao. Bên cạnh đó, ông còn kết hợp nuôi 2.000 con vịt, 1.000 con gà dưới vườn cao su và vườn mít. Theo ông, cây mít là loại cây ưa bóng mát và chắn gió. Do đó, trồng xen canh có thể che mát và chắn gió cho mít vào mùa khô, giảm được lượng nước đáng kể. Nuôi vịt, gà dưới vườn cao su, mít có thể tận dụng phân gà, vịt để bón cho cao su. Đồng thời, gà vịt được thả vườn có thể tự tìm nguồn thức ăn từ thiên nhiên như côn trùng, giun đất... qua đó, cho hiệu quả kinh tế cao hơn, chi phí giảm rất nhiều. Nhờ vậy, chỉ tính riêng tiền thu nhập từ vịt và gà mỗi năm cũng trên 100 triệu đồng. Với thành tích trên, vợ chồng ông nhiều năm liền được chọn là nông dân sản xuất giỏi của địa phương.

TỐ TÂM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=825
Quay lên trên