Trước những yêu cầu mới trong quá trình phát triển của tỉnh, ngành nông nghiệp Bình Dương (NNBD) đã có những thay đổi đáng kể trong việc hướng đến trở thành một ngành tiên tiến, hiện đại. Trong thời gian tới, ngành NNBD sẽ tiếp tục chuyển dịch cơ cấu theo hướng phát triển nông nghiệp (NN) đô thị, kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung
Thực hiện tốt công tác quy hoạch và phân vùng hợp lý
Phát triển NN trong thời gian tới cần nâng cao tỷ lệ chăn nuôi trong phát triển NN theo hướng kỹ thuật cao, chú trọng phát triển NN đô thị, gắn phát triển NN với xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt công tác quy hoạch và phân vùng hợp lý; chú trọng đến các hội, các tổ hợp tác kinh tế, các nghệ nhân. Thời gian tới, tỉnh sẽ nghiên cứu, từng bước hoàn chỉnh các cơ chế chính sách, tạo đòn bẩy để thực hiện có hiệu quả Chương trình chuyển dịch cơ cấu ngành NN theo hướng phát triển NN đô thị, kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến.
Những thành tựu cơ bản
Qua hơn 2 năm thực hiện chương trình tam nông, đến nay lĩnh vực NNBD có nhiều chuyển biến tích cực, tạo tiền đề cơ bản cho bước phát triển NN theo hướng NN đô thị, kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến. Hiện nay, giá trị sản xuất ngành NNBD tăng bình quân 4,7%/năm; giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất canh tác đạt 58,5 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế NN tiếp tục chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị và hiệu quả cao, tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi; đến nay tỷ trọng ngành trồng trọt còn 70,6%, ngành chăn nuôi chiếm 29,4%. Cây lâu năm tiếp tục khẳng định là cây trồng thế mạnh của tỉnh và ngày càng phát triển ổn định; trong đó Bình Dương đã hình thành một số vùng chuyên canh cây trồng như: cao su, cây ăn quả... Chăn nuôi phát triển mạnh cả về loại hình tổ chức và phương thức chăn nuôi, hình thành vùng chăn nuôi tập trung chiếm 63% đàn gia cầm, 80% đàn heo của tỉnh, bảo đảm được an toàn dịch bệnh.
Trình độ khoa học công nghệ trong sản xuất NN ngày càng được nâng cao, góp phần tăng năng suất và chất lượng nông sản. Tỷ lệ sử dụng giống mới trong các loại cây trồng, vật nuôi của tỉnh đạt từ 70 - 100%, năng suất tăng từ 5 - 10%, chất lượng nông sản ngày càng nâng cao; 100% diện tích đất canh tác cây lâu năm được cơ giới hóa trong khâu làm đất, chăm sóc và 80% trang trại chăn nuôi đã đầu tư hệ thống làm mát và sưởi ấm chuồng trại; hệ thống máng ăn, máng uống được tự động hóa. 53% đàn gia cầm và 15,4% đàn heo được nuôi theo quy trình ứng dụng công nghệ cao, bước đầu đã mang lại năng suất và giá trị cao so với sản xuất NN truyền thống. Bình Dương đã quy hoạch và triển khai xây dựng 3 khu NN công nghệ cao với tổng diện tích 972,2 ha gồm: xã An Thái (411,75 ha), xã Hiếu Liêm (89,95 ha), xã Tân Hiệp và Phước Sang (471 ha).
Phát triển NN đô thị, kỹ thuật cao, gắn với chế biến đòi hỏi phải nhanh chóng khắc phụ các hạn chế. Trong ảnh: Sản xuất rau an toàn đang được nhiều nông dân Bình Dương chú ý
Tiếp tục vươn tầm
Tuy đã đạt được những thành tựu cơ bản như trên nhưng so với tiềm năng, lợi thế và yêu cầu đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa NN, nông thôn Bình Dương vẫn tồn tại một số hạn chế. Cơ cấu sản xuất NN chuyển dịch chậm; các mô hình tổ chức sản xuất trong NN chậm được đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa; khoa học công nghệ trong NN chưa tương xứng với yêu cầu của nền sản xuất NN hiện đại; năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của một số sản phẩm NN còn thấp; khả năng cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế, thương hiệu nông sản chưa được chú trọng xây dựng, đầu tư. Hiện nay, sản xuất NN công nghệ cao BD còn nhỏ lẻ, các khu NN công nghệ cao mới bắt đầu triển khai và còn trong giai đoạn nghiên cứu sản xuất thử nghiệm. NN đô thị chưa được quan tâm nghiên cứu, quy hoạch, chưa có chương trình và giải pháp thúc đẩy phát triển NN đô thị. Để có một ngành NN phát triển theo hướng NN đô thị, kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến trước tiên Bình Dương cần khắc phục được các hạn chế trên. Quan điểm chung là xây dựng nền NN phát triển toàn diện theo hướng hiện đại ứng dụng kỹ thuật cao, sản xuất hàng hóa, khả năng cạnh tranh cao; gắn phát triển NN với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ, đặc biệt gắn phát triển NN với phát triển công nghiệp và phát triển đô thị, từng bước hoàn thành vùng sản xuất NN công nghệ cao. Đẩy mạnh ứng dụng NN kỹ thuật cao gắn với phát triển NN đô thị nhằm khai thác tối đa, hiệu quả đất NN ở các vùng ven đô và đất chưa sử dụng trong đô thị; giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi, lao động bán thời gian; đáp ứng nhu cầu thực phẩm, cảnh quan môi trường sinh thái cho cư dân đô thị và công nghiệp; gắn với xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ hiện đại, có cơ cấu kinh tế hợp lý; xã hội nông thôn phát triển, ổn định, giàu bản sắc truyền thống, bảo đảm môi trường sinh thái phát triển bền vững.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2015 giá trị sản xuất bình quân 1 ha đất canh tác NN đạt 70 - 80 triệu đồng/năm; NN công nghệ cao giá trị bình quân đạt 150 - 200 triệu đồng/ha/năm; hình thành các khu NN công nghệ cao đạt 1.000 ha; các vùng NN đô thị 300 ha, cây ăn quả đặc sản 1.500 ha; hình thành vùng chăn nuôi tập trung ứng dụng kỹ thuật cao, tổng đàn gia súc hơn 450.000 con, tổng đàn gia cầm hơn 3 triệu con, bảo đảm an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong giai đoạn 2011-2015, Bình Dương sẽ tập trung thực hiện một số chương trình, dự án trọng điểm gồm: chương trình phát triển NN công nghệ cao. Mục tiêu của chương trình là hoàn thành các khu NN công nghệ cao đã có, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư và chuyển giao các mô hình canh tác tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao cho các trang trại và nông hộ. Chương trình NN đô thị gắn với mục tiêu đầu tư phát triển NN đô thị ở vùng nam Bình Dương nhằm tạo mảng xanh đô thị, tạo môi trường sinh thái; sử dụng có hiệu quả đất trong đô thị và ven đô; giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Phát triển mạnh các loại cây ăn quả đặc sản như: măng cụt, cây ăn quả có múi... ở Thuận An, Dầu Tiếng, Tân Uyên. Chương trình phát triển chăn nuôi heo theo hướng công nghiệp hiện đại ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và bảo vệ môi trường ở phía bắc Bình Dương nhằm tạo sản phẩm chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm và từng bước tham gia xuất khẩu.
NN phát triển theo hướng NN đô thị, kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến là xu thế tất yếu và phù hợp với thực tế phát triển của Bình Dương. Chương trình đã được xây dựng và việc thực hiện thành công sẽ đem lại giá trị cao cho NNBD, giải quyết tốt việc làm và tạo ra nguồn thu nhập cao cho nông dân Bình Dương.
Đà Bình