Ngày 8-2, hội nghị toàn quốc về tín dụng bất động sản (BĐS) đã diễn ra. Hội nghị có nội dung xoáy thẳng vào khó khăn lớn nhất của ngành BĐS hiện nay là dòng tiền.
Doanh nghiệp BĐS cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến thị trường đóng băng, khó khăn chồng chất là do ngân hàng “bóp” tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, khiến nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn để tiếp tục triển khai dự án, hỗ trợ khách mua hàng, duy trì hoạt động…
Phản biện quan điểm này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú muốn làm rõ “vì sao các doanh nghiệp không tiếp cận được tín dụng”. Ông Đào Minh Tú đưa ra các số liệu thống kê từ khế ước vay tiền của ngân hàng cho thấy, tốc độ tăng tín dụng cho lĩnh vực BĐS là cao nhất trong tất cả lĩnh vực. Tỷ trọng cho vay lĩnh vực BĐS cũng cao nhất trong tất cả lĩnh vực, chiếm 21,2%. Chưa kể, có doanh nghiệp BĐS có tốc độ tăng lên tới 311%, có tập đoàn tăng 70% tín dụng. Trong khi tổng dư nợ tín dụng chung của nền kinh tế chỉ tăng 14,17% trong năm 2022.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng thẳng thắn đưa ra quan điểm việc đẩy quá nhanh tốc độ tăng trưởng, tốc độ thực hiện các dự án, thiếu cân nhắc là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp BĐS khó khăn. Thậm chí có doanh nghiệp thực hiện cùng lúc hàng chục dự án khắp các vùng miền.
Tại hội nghị này, nhiều ngân hàng cổ phần thương mại cho rằng họ vẫn cung cấp tín dụng cho lĩnh vực BĐS căn cứ thực lực doanh nghiệp và đúng theo quy định. Trên thực tế, các ngân hàng đang vừa phải bảo đảm an toàn, đáp ứng các quy chuẩn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, vừa phải tuân thủ các chuẩn mực quốc tế nhưng lại vẫn phải bảo đảm cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế. Trước thực tế ngành bất động sản hiện nay, việc “giải cứu” tín dụng cần đến những giải pháp vĩ mô hơn, toàn diện hơn. Trong đó cần rà tổng soát đánh giá thực trạng các doanh nghiệp, các dự án theo hướng “chọn mặt gửi vàng”, đưa BĐS phát triển bền vững.
KHẢI ANH