Chọn mặt nạ dưỡng ẩm phù hợp da dầu, da khô

Cập nhật: 11-05-2022 | 13:55:11

Bác sĩ Dương Phương Chi, Khoa Da liễu Thẩm mỹ da, Bệnh viện đại học Y dược TP HCM, cho biết mặt nạ thẩm thấu nhanh, cấp ẩm tức thời nhưng có thể gây hút ẩm ngược, khiến da trở nên khô hơn. Vì vậy, khi đắp mặt nạ, bạn nên đảm bảo các dưỡng chất được hấp thu hoàn toàn vào trong da, tránh lượng dư thừa quá nhiều có thể gây bít tắc lỗ chân lông, dẫn đến mụn trứng cá xuất hiện.

Hiện thị trường có rất nhiều loại mặt nạ như mặt nạ giấy, đất sét, bùn khoáng đến mặt nạ gel. Vì vậy, để sử dụng mặt nạ có hiệu quả, trước tiên bạn nên nắm rõ về thành phần mặt nạ để chọn loại phù hợp với làn da của mình, nhất là làn da nhạy cảm.

Đối với da dầu, mục tiêu của mặt nạ là loại bỏ các chất dư thừa và cân bằng lượng dầu trên da. Do đó, bạn nên chọn mặt nạ có khả năng làm sạch da, kiềm dầu chứa đất sét, than hoạt tính, salicylic acid và hyaluronic acid. Tránh các loại mặt nạ dạng cream, có chứa dầu và các thành phần như sáp ong.

Da khô, bạn nên chọn mặt nạ có thành phần như hyaluronic acid, glycerin, dầu thực vật, bơ để dưỡng ẩm.

Với da hỗn hợp, nên ưu tiên cấp ẩm và cân bằng. Bạn có thể kết hợp các loại sản phẩm tùy vào mỗi vùng da như làm sạch ở vùng da dầu và cấp ẩm ở vùng da khô.

Người có da nhạy cảm nên dùng mặt nạ có thành phần dịu nhẹ, không gây kích ứng da, không chứa hương liệu, kết hợp các thành phần kháng viêm như trà xanh, yến mạch, nha đam,...

Nếu bạn có thói quen dưỡng da đầy đủ theo các bước hàng ngày thì chỉ cần đắp mặt nạ từ một đến hai lần một tuần. Mỗi lần trung bình khoảng 20 phút đối với mặt nạ dạng giấy, gel hay cream; 10-15 phút với mặt nạ đất sét, bùn khoáng và để qua đêm với mặt nạ ngủ, áp dụng với mọi loại da.

Trường hợp không chăm sóc da đầy đủ hoặc có làn da khô đến rất khô, bạn có thể tăng tần suất dùng mặt nạ nhưng tránh lạm dụng.

Sau khi gỡ bỏ mặt nạ, bạn nên dưỡng ẩm khi các dưỡng chất từ mặt nạ đã thẩm thấu hoàn toàn và da còn ẩm. Chọn loại kem dưỡng ẩm phù hợp với từng loại da và chỉ cần thoa một lớp mỏng vừa đủ.

Tùy thuộc vào loại mặt nạ và loại da, tình trạng da để quyết định có nên rửa mặt sau khi sử dụng mặt nạ hay không. Cụ thể, đối với làn da dầu nhạy cảm, bạn nên rửa sạch với nước thường, tránh tình trạng các dưỡng chất dư thừa gây bít tắc lỗ chân lông hoặc kích ứng da. Đối với làn da khô, bạn có thể massage giúp cho phần dưỡng chất còn dư thẩm thấu hết vào da. Sau đó, bạn vẫn có thể sử dụng các bước dưỡng da như bình thường để ngăn ngừa sự mất nước và khóa chặt các thành phần hoạt tính vừa được mặt nạ cung cấp.

Đắp mặt nạ là xu hướng làm đẹp phổ biến, đơn giản, nhanh gọn nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng. Khi da đang gặp những tình trạng bệnh lý như viêm da dị ứng, kích ứng, mụn trứng cá nặng, nhiễm trùng, chấn thương... thì không nên đắp mặt nạ. Nên điều trị dứt điểm các tổn thương để da khỏe mạnh, tránh kích ứng hoặc khiến tình trạng da nặng nề hơn.

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=437
Quay lên trên