Chọn ngành, chọn nghề: Cha mẹ là nhà tư vấn

Cập nhật: 10-03-2010 | 00:00:00

Học sinh được trực tiếp đối thoại với các trường đại học để tìm hiểu về chương trình đào tạoMỗi năm khi đến mùa tuyển sinh đại học - cao đẳng (ĐH-CĐ), tâm trạng của các bậc cha mẹ có con đang học lớp cuối cấp cũng rối bời theo con. Bản thân mỗi em tự lựa chọn con đường đi cho tương lai, nhưng cha mẹ không tham gia vào thì đôi khi các em chọn ngành nghề chỉ vì sở thích hoặc theo bạn bè, còn cha mẹ can thiệp quá sâu, buộc con chọn ngành theo ý nguyện của gia đình, có thể ảnh hưởng cả cuộc đời của các em sau này. Vì thế, hơn hết cha mẹ là người sáng suốt nhất trong lúc này, giúp con em lựa chọn ngành nghề theo sở trường, năng khiếu, năng lực học tập và nhu cầu xã hội đang cần hiện nay.

Cha mẹ là nhà tư vấn

Biết chị Mai Trinh ở TX.TDM có con đang học lớp 12, tôi hỏi thăm năm nay con chị chọn ngành nào, trường nào thi vào ĐH? Như đoán đúng tâm trạng của chị vào lúc này, chị vào nhà “ôm” ra một mớ tờ bướm giới thiệu ngành nghề đào tạo của các trường ĐH-CĐ. Theo chị thì con chị học không tốt môn Anh văn nhưng cứ chọn vào những ngành có thi khối D. Chị phải đứng vào vị trí của con để khuyên giải, cuối cùng cháu cũng hiểu ra và chọn khối thi có lực học tốt hơn.

Thế mới thấy cha mẹ có vai trò khá quan trọng, là “quân sư” giúp con không chỉ chọn ngành mà cả lựa chọn khối thi theo sức học. Có thể mỗi em thích vài ba nghề, nhưng cha mẹ cùng con phân tích kỹ nghề nào là hợp với các em nhất, kể cả sở thích, sức học và sức khỏe liệu có đáp ứng được việc học hay không. Ở tuổi 18 các em đã trưởng thành nhưng thực sự suy nghĩ của một số em vẫn chưa chín chắn lắm. Có em mơ tưởng đến những nghề được các em cho là “nóng”, trong khi xét lại thì nghề ấy không phù hợp với các em về nhiều mặt, cụ thể như nghề kế toán không phù hợp với những em có tính không kiên nhẫn, hay các em có khuyết tật không nên chọn ngành sư phạm... nếu để con em chọn ngành theo kiểu ngẫu hứng ấy thì khó có khả năng thi đậu vào ĐH và nếu có đậu thì chưa chắc theo đến cùng.

Trường hợp của con chị L., ở phường Phú Hòa, TX.TDM là một điển hình. Chị than thở: “Con tôi học ngành kế toán gần hết năm 3 rồi nhưng đã chán, bỏ giữa chừng. Nguyên do trước đó em chọn ngành này vì mấy anh chị gần nhà bảo học kế toán dễ xin việc, làm nhiều tiền. Theo học rồi nó mới thấy chán vì không phù hợp. Năm nay cháu xin thi lại, nó bảo vào CĐ cũng được. Thôi thì, dù lãng phí 3 năm học, nhưng bây giờ làm lại cũng còn kịp”.

Tư vấn cho con chọn ngành, chọn nghề rồi, vấn đề tiếp theo là chọn trường vừa sức. chị Mai Trinh cho biết: “Liệu sức học của con, tôi khuyên con đừng để tâm đến mấy trường “top trên”, không theo nổi đâu. Cuối cùng cháu chọn vào trường Đại học Marketing TP.HCM, vì điểm chuẩn của trường phù hợp, xác suất vào đại học sẽ cao hơn”.

Không ép buộc con

Nói như vậy không phải lúc nào cha mẹ cũng “có lý” trong việc lựa chọn ngành nghề cho con em. Cũng có một số trường hợp cha mẹ áp đặt con trong việc chọn ngành nghề. Có gia đình muốn giữ nghề truyền thống như cha mẹ là bác sĩ thì con phải theo ngành y, hay gia đình mấy đời là nhà giáo con cái cũng phải theo ngành này. Có em cũng chiều theo ý gia đình, nhưng học nửa chừng rồi bỏ hoặc đi làm vài năm các em bỏ nghề đi học một nghề khác các em yêu thích. Một sinh viên đang theo học lớp luật tại chức ở trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương cho biết, do ý muốn của cha mẹ, trước đây em đã học ngành điều dưỡng. Là con trai nhưng mỗi lần thấy máu là em sợ. Học xong em xin gia đình vào Nam, bây giờ buổi tối em bán ốc còn ban ngày đi học. Tuy vất vả vì phải tự lo, nhưng em mãn nguyện vì được học ngành em thích từ khi còn học ở phổ thông.

Lúc này đây, học sinh đang băn khoăn trước nhiều ngã rẽ vào đời, vì thế cha mẹ là người sáng suốt giúp con lựa chọn đường đi trước ngưỡng cửa cuộc đời. Cha mẹ hãy đồng hành cùng con em trong suốt mùa thi sắp tới. Nếu sức học của con hạn chế không nên ép phải thi vào ĐH, hoặc các em thích ngành này, nhưng cha mẹ thì ngược lại. Cha mẹ đừng vì sĩ diện với bạn bè, người thân hoặc “tham vọng” của gia đình mà làm con càng thêm rối trí khi chọn ngành, chọn trường thi vào ĐH-CĐ.

H.THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X