Chống lạm phát bằng chính sách tiền tệ chặt chẽ

Cập nhật: 19-02-2011 | 00:00:00

Ngày 18-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo bổ sung của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2010; tình hình triển khai kế hoạch KT-XH những tháng đầu năm 2011.

 

Nhìn chung, tình hình KT-XH năm 2010 phát triển theo chiều hướng tích cực, nền kinh tế phục hồi khá nhanh trong điều kiện kinh tế thế giới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số chỉ tiêu kế hoạch đạt thấp. Đặc biệt, so với tháng 12-2009, chỉ số giá tiêu dùng lần đầu tiên vượt lên mức 2 con số.

 

Trong tháng 1-2011, sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng cao và cao hơn chỉ tiêu kế hoạch, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước và gấp gần 2 lần chỉ tiêu kế hoạch, nhập siêu giảm... Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc, một thực tế đáng lưu ý là giá cả thị trường có biến động lớn, lạm phát ở mức khá cao. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 đã tăng 1,74% - mức tăng cao so với nhiều năm và dự báo tháng 2 tiếp tục tăng cao. Thị trường tiền tệ, ngoại hối tiếp tục diễn biến "trồi sụt" với mức lãi suất cao chưa có xu hướng giảm, cung cầu ngoại tệ căng thẳng, tỷ giá khó lường.

 

Quá trình thẩm tra báo cáo của Chính phủ, nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế, tài chính đã đưa ra quan ngại sâu sắc khi lạm phát đã làm giảm ý nghĩa tăng trưởng. Ủy ban Kinh tế của QH cho rằng nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này xuất phát từ sự yếu kém nội tại của nền kinh tế. Mô hình tăng trưởng dựa nhiều vào tăng vốn, hiệu quả đầu tư thấp tác động xấu đến các cân đối lớn của nền kinh tế, thâm hụt ngân sách lớn, nợ công tăng nhanh, nhập siêu cao…

 

Để cải thiện tình hình, trước phiên họp này một ngày, Thường trực Chính phủ đã họp, chuẩn bị ra nghị quyết với các thông điệp mạnh mẽ về thực hiện giải pháp giảm tổng cầu để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Tuần tới, Chính phủ sẽ họp, phổ biến nội dung quan trọng này tới các địa phương. Tinh thần chung là chính sách tài chính sẽ được điều hành hết sức chặt chẽ, tiếp tục tiết kiệm tiếp chi 10%. Đồng thời, không tăng đầu tư xây dựng cơ bản, kể cả trong điều kiện trượt giá". Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết thêm, trừ các công trình đầu tư chống lũ lụt, an ninh - quốc phòng thực sự cấp bách, còn lại các công trình khác nếu thực hiện không hết thì không cho chuyển vốn sang năm sau. Đồng thời dừng xây dựng trụ sở chưa cần thiết.

 

Chính sách tiền tệ sẽ chặt chẽ hơn cũng là một định hướng được đề cập tới. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu: "Tăng trưởng tín dụng năm 2011 sẽ dưới 20%, thấp nhất trong 5 năm qua. Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị đưa ra các giải pháp mạnh để giảm tổng cầu và tăng trưởng tín dụng. Tổng cung tiền tệ ra thị trường cũng sẽ được điều chỉnh giảm so với dự kiến trước đây". Theo Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh và Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, tất cả giải pháp nêu trên đưa ra thông điệp điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa chặt chẽ hơn nhằm mục tiêu chống lạm phát, ổn định thị trường.

 

Tán thành với các giải pháp mà Chính phủ đã nêu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cho rằng, cần theo dõi chặt việc tăng lãi suất. Thường trực Ủy ban Kinh tế của QH yêu cầu cần có ngay giải pháp khắc phục tình trạng chính sách tiền tệ thì thắt chặt nhưng chính sách tài khóa thì nới lỏng, kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán một cách thích hợp nhằm mục tiêu hàng đầu là kiểm soát lạm phát và bảo đảm thanh khoản của nền kinh tế.

 

Cùng ngày, Bộ Tài chính đã báo cáo UBTVQH kết quả thực hiện nhiệm vụ ngân sách năm 2010, tình hình triển khai năm 2011. Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, tính đến ngày 31-12-2010, tổng thu cân đối đạt 559.170 tỷ đồng, vượt 21,2% (97.670 tỷ đồng) so với dự toán, tăng thêm 31.070 tỷ đồng so với số đã báo cáo QH tại kỳ họp cuối năm 2010. Tháng đầu năm 2011, tình hình thu chi ngân sách được coi là tích cực, nhờ diễn biến khả quan của hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu những tháng cuối năm 2010. Các nội dung trọng tâm các bộ, ngành và địa phương cần chú trọng thực hiện trong năm 2011 là tập trung chỉ đạo, phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước năm 2011 vượt trên 5% so với dự toán được QH quy định, Thủ tướng Chính phủ giao. Bên cạnh đó, phải quản lý chi tiêu chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả để giảm bội chi ngân sách nhà nước dưới mức đã được QH quyết định (5,3% GDP)…

 

Theo Hà Nội Mới

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=239
Quay lên trên