Đối với nữ tổng giám đốc đầu tiên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), giữ cân bằng giữa công việc như núi và chăm sóc 2 con là một cuộc đấu tranh căng thẳng
Ngày 5-7-2011, khi bà Christine Lagarde, với chiều cao gần 1,8 m, chính thức ngồi vào ghế Tổng Giám đốc IMF, nhiều người tự hỏi, người phụ nữ này tài giỏi đến đâu mà được hội đồng quản trị tín nhiệm trong bối cảnh khu vực đồng euro đang gặp khủng hoảng nợ công rất nghiêm trọng? Trong lịch sử IMF, đây là lần đầu tiên quyền lãnh đạo thuộc về một người phụ nữ.
Christine Lagarde, 56 tuổi, nữ Tổng Giám đốc đầu tiên của IMF.. Tài giỏi, đầy kinh nghiệm
Nhà báo Marie Visot trên tờ Le Figaro lý giải: Bà Christine Lagarde làm Bộ trưởng Kinh tài Pháp 4 năm liên tục – đây là lần đầu tiên một phụ nữ được bổ nhiệm vào chức vụ này – từng tham dự không dưới 50 cuộc họp của ECOFIN (Hội đồng Kinh tế Tài chính của Liên hiệp châu Âu), 8 kỳ hội nghị kinh tế tài chính nhóm G8 và G20 về vấn đề bình ổn ngành ngân hàng trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và nợ công của Hy Lạp.
Chính kinh nghiệm, năng lực chuyên môn và tiếng tăm của một phụ nữ tài giỏi nhiều năm liền được tuần báo Mỹ Time xếp vào danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới đã chinh phục giới chuyên môn ở cấp độ toàn cầu. Khả năng nói lưu loát như người bản địa tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha ngoài tiếng mẹ đẻ cũng là yếu tố quan trọng để đại diện cho 188 nước thành viên của IMF đề cử bà.
Sinh vào ngày Tết Dương lịch năm 1956 tại Le Havre, miền Bắc nước Pháp, trong một gia đình cha là giáo viên Anh văn, còn mẹ làm giáo viên tiếng Latin, bà Lagarde du học ở Mỹ năm 17 tuổi rồi trở về Pháp lấy 2 bằng cao học về Luật Kinh doanh và Luật Xã hội. Cảm thấy khó có tương lai trong ngành luật ở Pháp bởi định kiến “trọng nam khinh nữ” nặng nề, bà đầu quân vào Baker & McKenzie, công ty luật quốc tế gốc Mỹ đứng hàng thứ hai thế giới. Sau 18 năm gắn bó, năm 1999, bà trở thành nữ chủ tịch đầu tiên và trẻ nhất của công ty này.
Năm 2005, từ đại bản doanh của Baker & McKenzie ở Chicago bà vội vã quay về Pháp theo tiếng gọi của Dominique Villepin, Thủ tướng Pháp lúc bấy giờ để tham gia chính phủ với mức lương thấp hơn 7 lần so với lương chủ tịch công ty.
Cá tính và hấp dẫn
Từ đó, bà trở thành một nữ chính khách đầy cá tính không giống như các nữ chính khách Pháp khác. Giáo sư Andrew Hussey tại Học viện Đại học London ở Paris nhận xét: “Trong khi số đông, như bà Ségolène Royal tìm cách thu hút sự chú ý bằng sự điệu đàng thì bà Lagarde khác hẳn”.
Bà Christine Lagarde khác về cách sống, quan niệm sống. Sáng nào bà cũng thức dậy lúc 6 giờ, khi thì đi bơi (bà từng đoạt huy chương bạc giải vô địch quốc gia trong đội bơi nghệ thuật năm 15 tuổi), khi thì tập yoya. Bà không uống rượu, không hút thuốc lá và không bao giờ đụng đến các loại thịt.
Không đẹp như Angelina Jolie nhưng bà Lagarde có sức hấp dẫn khác. Người ta thường nói đến bà như một người luôn tỏa sáng nét duyên ngầm và được mọi người nể trọng. Tờ The Observer của Anh nhận xét bà là một người phụ nữ thông minh, biết cách ăn mặc đẹp, thanh lịch và trung thực.
Luôn nói chuyện với con trước khi ngủ
Không chỉ thành đạt vẻ vang trong sự nghiệp, bà Lagarde còn được coi như một bà mẹ đáng kính. Đó cũng là lý do Tạp chí Forbes xếp bà thứ 8 trong danh sách 20 bà mẹ quyền lực nhất thế giới.
Hoàn cảnh gia đình của bà khá éo le. Bà từng lập gia đình 2 lần nhưng đều phải chia tay. Thông tin về 2 người chồng này rất ít vì bà kín kẽ về chuyện đời tư. Chỉ biết rằng ở với người chồng thứ nhất là Wilfred Lagarde, bà có 2 người con trai là Pierre-Henri Lagarde sinh năm 1986 và Thomas Lagarde sinh năm 1988. Hiện nay, bà sống như vợ chồng với ông Xavier Giocanti, bạn học thời ở Đại học Nanterre. Ông này cũng từng có vợ và 2 con riêng.
Làm mẹ, nhất là làm mẹ đơn thân, là một nghề rất vất vả vì bận bịu cả ngày. Làm tốt một lúc 2 nhiệm vụ chuyên môn và nuôi con nhiều lúc bất khả thi khiến bà phải hy sinh. Bà chia sẻ trên tờ Paris-Match : “Cân bằng giữa nhiệm vụ chăm sóc con và trách nhiệm nặng nề thật khó khăn. Nó đòi hỏi phải có tình thương, lòng vị tha và tính kiên nhẫn vô hạn. Tôi biết 2 con tôi sống không được thoải mái lắm khi mẹ luôn vắng nhà mặc dù chúng đã lớn khôn”.
Khó khăn nhất cho bà là lúc mới nhậm chức Chủ tịch Công ty Baker & McKenzie. Lúc đó, Pierre mới 13 tuổi còn Thomas 11 tuổi. Bà phải chấp nhận một thực tế là có lúc phải ưu tiên – đồng nghĩa với hy sinh – chọn 1 trong 2 việc và sau đó bị giày vò vì mặc cảm tội lỗi”. Một đứa con của bà học hành có vấn đề. Hiệu trưởng gọi bà lên mắng “chỉ lo công việc quên cả con cái”. Bà rất đau và thấm thía.
Thường đi công tác ở nước ngoài nên bà tự đặt ra cho mình một nguyên tắc bất di bất dịch: Luôn luôn gọi điện cho con vào mỗi buổi sáng trước khi chúng đi học và buổi tối trước khi chúng lên giường ngủ bất kể đang làm việc ở nước nào. Có nghĩa là đôi khi bà phải thức lúc 2 giờ sáng để nói chuyện với con do chênh lệch múi giờ.
Theo Người Lao Động