Nhằm giảm thiệt hại cho các hộ nuôi trồng thủy sản trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa hiện nay và mùa mưa bão sắp tới, Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh khuyến cáo các hộ dân nuôi trồng thủy sản tăng cường thực hiện các biện pháp bảo vệ.
Thả cá giống tạo nguồn ở một ao nuôi tại phường Thái Hòa, TP.Tân Uyên
Hiện nay đang là giai đoạn chuyển mùa ở các tỉnh phía Nam, nắng nóng cùng với việc có thể xuất hiện mưa giông đột ngột, các yếu tố môi trường thay đổi đột ngột và biến động lớn dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, người nuôi cần thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật ứng phó, đồng thời cần ổn định môi trường ao nuôi, bổ sung vitamin, men vi sinh để nâng cao sức đề kháng cho thủy sản nuôi, thường xuyên quan sát diễn biến môi trường nước để có biện pháp xử lý kịp thời.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến cuối năm, có thể xuất hiện nhiều hình thái thiên tai gây bất lợi cho nuôi trồng thủy sản. Do đó, để chủ động bảo vệ thủy sản nuôi, giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất do thời tiết cục bộ, mưa bão gây ra trên địa bàn tỉnh, Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản đã có văn bản triển khai đến các cơ quan có liên quan và người nuôi trồng thủy sản để chủ động thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho các vùng nuôi thủy sản.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản khuyến cáo người nuôi cần tăng cường kiểm tra và tu bổ lại bờ ao. Chuẩn bị lưới, đăng chắn, cọc tre để cắm khi nước tràn hoặc vỡ bờ tránh thất thoát thủy sản nuôi trồng. Khơi thông dòng chảy ở các sông, mương xung quanh ao để việc thoát nước được dễ dàng. Rải vôi bột xung quanh bờ ao với lượng khoảng 10 kg/100m2 để ổn định pH cho ao nuôi có mưa bão. Ngoài ra, hàng tuần nên dùng vôi bột hòa tan tạt đều khắp ao vào buổi chiều mát để khử trùng nguồn nước và ổn định pH trong ao với hàm lượng 2-4kg vôi bột/100m3 nước.
Đối với thời tiết nắng nóng như hiện nay, nên dùng lưới lan che phủ 2/3 diện tích mặt ao và cao hơn mặt nước trên 2m để hạn chế bức xạ của ánh sáng mặt trời, giảm tăng nhiệt độ nước trong ao, tránh gây sốc cho thủy sản nuôi. Đồng thời, giảm 50% lượng thức ăn khi trời nắng nóng gay gắt. Bổ sung vitamin C, khoáng chất, chế phẩm sinh học vào thức ăn nhằm tăng cường sức đề kháng, duy trì đàn thủy sản nuôi. Bên cạnh đó, thu hoạch toàn bộ thủy sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm. Lưu ý hạn chế đánh bắt, vận chuyển, thả giống vào những ngày nắng nóng, thời điểm nắng nóng trong ngày.
Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản cũng lưu ý, khi mưa lớn kéo dài, nước ao nuôi sẽ bị đục và pH bị giảm đột ngột nên bón vôi cho ao, đầm nuôi với liều lượng 0,7- 1,0 kg/100m3 nước để ổn định pH nước và làm giảm độ đục của nước ao. Sau mưa bão, khi phát hiện cây đổ, lá rụng, xác chết gia súc gia cầm ở các khu vực xung quanh đổ xuống ao cần thu gom, loại bỏ, tránh làm cho môi trường nước bị ô nhiễm. Điều chỉnh lượng thức ăn, hạn chế cho ăn khi có mưa lớn để hạn chế ô nhiễm môi trường, tránh lãng phí.
Vào mùa mưa bão, các yếu tố môi trường ao nuôi có thể bị thay đổi đột ngột làm thủy sản nuôi bị sốc dễ chết hoặc phát sinh dịch bệnh, nước đục nên cá dễ nhiễm các bệnh hơn như: Bệnh gan thận mủ, xuất huyết, các bệnh ngoài da… Vì vậy, người nuôi trồng cần thường xuyên theo dõi môi trường nước, kiểm tra hoạt động của cá, quan sát để điều chỉnh lượng thức ăn vừa đủ, bổ sung các vitamin, khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho cá. Ngoài ra, chủ động xử lý môi trường nước bằng vôi bột hoặc một số hóa chất được phép sử dụng để khử trùng nước, phòng bệnh cho thủy sản nuôi.
PHƯƠNG ANH