Chủ động bình ổn giá cả, giữ thị trường ổn định

Cập nhật: 25-11-2022 | 08:29:56

Năm 2023, chương trình bình ổn thị trường sẽ được các cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai đồng bộ. Trong đó, các ngành, doanh nghiệp tập trung xây dựng các tình huống, kịch bản tùy theo diễn biến của thị trường. Mục tiêu phải bảo đảm nguồn cung, lưu thông hàng hóa, tiết giảm chi phí trung gian, vận hành hiệu quả hoạt động hệ thống phân phối, bảo đảm người dân an vui, đón tết.

 Triển khai tốt kế hoạch bình ổn thị trường sẽ bảo đảm nguồn cung phục vụ nhu cầu người dân. Trong ảnh: Người tiêu dùng mua hàng tại Co.opmart Bình Dương II

 Tính toán hợp lý

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết kế hoạch bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu năm 2023 xây dựng trên cơ sở tập trung triển khai các giải pháp ổn định cung cầu hàng hóa, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm, xăng dầu, thuốc chữa bệnh… tránh tình trạng khan hiếm hàng hóa cục bộ, tăng giá bất hợp lý bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão. Song song đó là công tác kiểm tra, giám sát chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, đấu tranh xử lý hành vi găm hàng, tăng giá bất hợp lý, xử lý hàng gian, hàng giả, kém chất lượng. Đồng thời, chuẩn bị nguồn cung xăng dầu, bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh và hoạt động vui xuân đón tết của người dân.

Được biết, chương trình bình ổn thị trường hàng hóa năm nay có sự tham gia của 14 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân phối hàng hóa thiết yếu. Các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân năm 2023 đa dạng, phong phú, bao gồm lương thực (gạo, nếp…); thực phẩm chế biến (đường, sữa, bột ngọt, dầu ăn, nước chấm, nước giải khát, bánh mứt, kẹo…); thực phẩm tươi sống (thịt gia súc, gia cầm, trứng gà, trứng vịt, rau củ quả…); mặt hàng xăng dầu.

Bà Lê Minh Phương, Trưởng phòng Kinh tế TX.Tân Uyên dự báo tình hình tiêu dùng hàng hóa năm nay có khả năng tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ do nhiều doanh nghiệp cho lao động nghỉ tết sớm, giá cả thị trường, nhất là giá xăng dầu ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động. Do đó, số lượng hàng hóa dự trữ cần cân nhắc để tránh nguồn cung quá lớn, sức cầu không theo kịp gây khó khăn cho doanh nghiệp và tiểu thương. Bên cạnh đó, ngành công thương cần triển khai có hiệu quả các phiên chợ vui, đưa hàng Việt về khu, cụm công nghiệp, các xã vùng nông thôn; triển khai bán hàng bình ổn lưu động tại các huyện chưa có siêu thị nhằm đưa hàng hóa bình ổn thị trường đến tay người dân, hạn chế tình trạng thiếu hụt hàng hóa cục bộ, găm hàng, sốt giá. TX.Tân Uyên cần 6 điểm bán hàng lưu động tại các khu vực chưa có chợ truyền thống.

Theo ông Nguyễn Văn Lớt, Giám đốc siêu thị Aeon Mall, hiện siêu thị đã làm việc với các nhà cung ứng để bảo đảm bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu cuối năm của người dân. Dự kiến hàng hóa sẽ tăng 10% trong dịp tết và con số này dự kiến đáp ứng đủ cho người dân. Ông Lê Bá Thành, Giám đốc chi nhánh Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Bình Dương, cho biết công ty đủ nguồn cung thịt heo cho các đại lý trên địa bàn và cam kết bán giá bình ổn, không tăng giá trong dịp Tết Quý Mão để đáp ứng nhu cầu.

Tháo gỡ khó khăn

Riêng mặt hàng xăng dầu, để bình ổn thị trường, Sở Công thương giao nhiệm vụ cho 2 doanh nghiệp là Tổng Công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ - CTCP và Công ty Xăng dầu Sông Bé - TNHH Một thành viên, đảm nhận cung ứng đầy đủ cho toàn bộ hệ thống xăng dầu trên địa bàn tỉnh với số lượng dự kiến tăng thêm từ 10 - 12% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ông Trịnh Đình Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu Sông Bé cho biết: “So với tháng 1-2022, nguồn cung xăng dầu của công ty cung ứng ra thị trường đã tăng đến 60 - 70%. Trong tình hình hiện nay, thì đây là con số rất khó khăn cho công ty. Chính vì vậy rất cần sự chung tay của các doanh nghiệp xăng dầu trên địa bàn, tránh tình trạng áp lực quá lớn dồn về công ty”.

Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu, đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp, người dân trong dịp trước, trong và sau tết, Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường đã triển khai ký cam kết bảo đảm cung ứng xăng dầu với các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn. Đến thời điểm hiện tại, Bình Dương có 9 đơn vị thương nhân đầu mối. Theo báo cáo của các doanh nghiệp đầu mối, lượng xăng dầu dự trữ đủ đáp ứng cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc và đại lý trong thời gian từ đây tới Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Theo Sở Công thương, hiện hệ thống kho dự trữ luôn ở mức bảo đảm duy trì hoạt động kinh doanh xăng dầu, mạng lưới cửa hàng bán lẻ luôn duy trì hoạt động kinh doanh theo thời gian đăng ký để đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Mức tiêu thụ xăng dầu bình quân khoảng 1.500 - 2.000m3/ngày.

 Tổng giá trị hàng hóa phục vụ công tác bình ổn thị trường năm 2023 dự kiến 6.072 tỷ đồng không tính xăng dầu, thuốc trị bệnh và thiết bị y tế phòng chống dịch, tăng 7% so với kế hoạch năm 2022. Trong đó, giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão là 2.100 tỷ đồng, tăng 1% so với kế hoạch năm 2022. Dự trữ hàng hóa tại các chợ truyền thống dự kiến 225 tỷ đồng, tăng 6,6% so với kế hoạch năm 2022.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=535
Quay lên trên