Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Bình Dương, trong những tháng mùa khô năm 2016, tổng lượng mưa trên địa bàn tỉnh có khả năng ở mức thấp so với trung bình nhiều năm từ 20 - 40%. Phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Khánh Trường, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về tình hình nguồn nước tưới và giải pháp phòng chống hạn của địa phương.
Hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp từ hồ Cần Nôm tại xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng. Ảnh: QUỲNH NHIÊN
- Xin ông cho biết, tình hình xâm nhập mặn diễn ra tại các sông đi qua địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào?
- Từ đầu năm đến nay, lượng mưa trên địa bàn tỉnh khá thấp so với mức trung bình nhiều năm. Tổng lượng mưa trái mùa từ đầu năm 2016 đến nay trung bình là 24,9mm, bằng 11,18% so với cùng kỳ năm 2015. Lượng mưa thấp nên các hồ chứa tích được ít nước, dòng chảy trên các sông, suối cũng không cao.
Trong đợt kiểm tra mực nước của Chi cục Thủy lợi vừa qua cho thấy, hồ Cần Nôm (huyện Dầu Tiếng) có mực nước 13,2m, hồ ĐáBàn (huyện Bắc Tân Uyên) mực nước 31m, hồ Dốc Nhàn (huyện Bắc Tân Uyên) mực nước 21,9m. Đến thời điểm này, các hồ Suối Giai, ĐáBàn và Dốc Nhàn đã kết thúc tưới vụ đông - xuân 2015-2016. Với lượng nước còn lại, các hồ Cần Nôm, Suối Giai dư nước tưới vụ đông - xuân và hè - thu; hồ ĐáBàn và hồ Dốc Nhàn không đủ nước tưới vụ hè - thu năm 2016.
Theo đợt khảo sát gần nhất (ngày 12-4) cho thấy, tại Cầu Ngang độ mặn đạt 2,80/00, tại Bà Lụa độ mặn đạt 1,70/00, độ mặn cao nhất tại điểm khảo sát ở Lái Thiêu là 3,20/00. Đối với sông Đồng Nai đoạn chảy qua khu vực tỉnh Bình Dương, đã xuất hiện xâm nhập mặn cao nhất trong tuần khảo sát nói trên tại trạm Hóa An là 0,0250/00 vào ngày 12 -4, không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp nhưng có ảnh hưởng tới nguồn nước sinh hoạt trong phạm vi giới hạn cho phép.
- Thưa ông, lượng nước thiếu hụt ảnh hưởng như thế nào đến tình hình sản xuất, sinh hoạt của người dân trong tỉnh?
- Từ đầu năm 2016 đến nay, lượng mưa, dòng chảy các sông, suối trên địa bàn tỉnh đều thiếu hụt so với trung bình những năm trước. Đối với nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, hiện vẫn chưa xảy ra tình trạng thiếu nước. Riêng nguồn nước phục vụ sinh hoạt, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 338 hộ thiếu nước sinh hoạt.
Khắc phục tình trạng này, đối với xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên đã phối hợp với Xí nghiệp cấp nước Tân Uyên lắp đặt hệ thống cấp nước cho người dân tại Bưu điện văn hóa xã. Còn tại xã Định An, huyện Dầu Tiếng đã lắp đặt 3 bồn chứa nước 2.000 lít/bồn và cấp nước 3 bồn/ngày để người dân chở nước vềsử dụng.
- Ngành nông nghiệp của tỉnh đã triển khai những giải pháp gì nhằm chủđộng phòng, chống hạn hán xảy ra?
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đềnghị UBND các huyện, thị, thành phố trong tỉnh chỉ đạo các xã, phường, thị trấn có kế hoạch thông báo rộng rãi vềhiện tượng bất thường của El Nino. Bên cạnh đó, Chi cục Thủy lợi phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan nắm bắt tình hình quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, diễn biến triều cường và mực nước các sông Sài Gòn, Đồng Nai nhằm có biện pháp cân đối nguồn nước phục vụ sản xuất có hiệu quả.
Đối với những vùng có nguy cơ bị nhiễm mặn, các xã, phường vùng trũng thấp ven sông Sài Gòn, ngành nông nghiệp của tỉnh đềnghị cần theo dõi chất lượng nguồn nước khi sử dụng nước triều cường các sông, rạch để tưới; tuyên truyền, vận động nhân dân lựa chọn giống chịu hạn, mặn, sử dụng các loại cây trồng tốn ít nước, xuống giống phù hợp với diễn biến thời tiết… Đối với những vùng khan hiếm nguồn nước như các xã An Linh, An Thái (huyện Phú Giáo), Minh Hòa, Định An (huyện Dầu Tiếng), Đất Cuốc, Lạc An (huyện Bắc Tân Uyên)… ưu tiên giải quyết nước sinh hoạt cho người dân, nước uống cho gia súc…
QUỲNH NHIÊN (thực hiện)