Tận dụng lợi thế đất nằm ven sông Sài Gòn, anh Võ Văn Bình, tổ 5, ấp Bến Chùa, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng dừa, trồng xen canh với cây măng cụt giúp thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình bền vững.
Mạnh dạn chuyển đổi đất lúa sang trồng dừa đã mang lại thu nhập cao cho gia đình anh Võ Văn Bình, ấp Bến Chùa, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng
Giữa cái nắng gắt gao của mùa khô, anh Bình dẫn chúng tôi đi tham quan những rặng dừa rợp bóng mát đang sai trĩu quả. Rất điêu luyện và nhanh nhẹn, anh Bình lần lượt chặt thử từng loại dừa để mời chúng tôi thưởng thức. Vị ngọt thanh mát của dừa Mã Lai, vị thơm của mùi lá dứa từ dừa xiêm dứa khiến chúng tôi vừa ấn tượng vừa quên đi cái nóng bức và dịu cơn khát.
Cùng với đôi tay nhanh nhẹn đó là dáng vẻ chất phác, thật thà, anh Bình nở nụ cười hiền lành, chia sẻ về quyết định đến với mô hình trồng dừa. Trước đây, người dân nơi đây, trong đó có gia đình anh Bình đều làm lúa, nhưng sau này mọi người chủ yếu đi làm ở các công ty nên nhân công cắt lúa không có, đồng ruộng nơi đây lại không bằng phẳng nên rất khó thu hoạch bằng máy nên nhiều mảnh ruộng bị bỏ hoang.
Không chịu khuất phục trước cái khó, cái nghèo, anh Bình quyết định cải tạo hơn 2 ha đất của gia đình, vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để mua giống dừa về trồng. Sau này, được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ giống cây măng cụt anh mới trồng xen để tăng thêm thu nhập. Đến nay, trên mảnh đất trồng lúa khi xưa là hơn 200 cây dừa cho thu hoạch quanh năm và hơn 100 cây măng cụt đã cho thu hoạch được 2 vụ. Hiện tại, anh trồng 4 loại dừa, gồm: Dừa Mã Lai, dừa xanh lục, dừa xiêm lùn trái to và dừa xiêm dứa, giống được mua từ Tiền Giang và Bến Tre. Theo anh Bình, dừa có thị trường và giá bán ổn định, không tốn nhiều công chăm sóc như cây lúa. Hiện anh chủ yếu bỏ mối cho các cửa hàng giải khát với giá từ 7.000 - 9.000 đồng/trái, tùy từng loại.
“Tôi bắt đầu trồng dừa từ năm 2013 và đến năm 2015 thì trồng xen kẽ măng cụt. Cây dừa trồng 3 năm sẽ ra trái, trồng măng cụt phải 6 đến 7 năm mới cho thu hoạch. Tôi quyết định chuyển từ cây lúa sang trồng dừa vì trước đó đã đi tham khảo tại Tiền Giang, Bến Tre và nhận thấy thổ nhưỡng vùng đất nhà mình ở ven sông Sài Gòn rất phù hợp. Dừa trồng dọc kênh mương, gần nguồn nước nên cho ra trái nhiều nước và ngọt. Hiện nay thu nhập chính của gia đình là từ cây dừa”, anh Võ Văn Bình cho biết.
Nhờ chịu thương chịu khó, quyết tâm học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, đến nay năng suất từ trồng dừa của gia đình anh Bình luôn ổn định với doanh thu hơn 200 triệu đồng/năm. Ngoài ra, với diện tích hơn 3 ha cây cao su và 1 ha măng cụt, tổng cộng mỗi năm cho thu nhập khoảng gần 400 triệu đồng. “Từ một gia đình còn gặp khó khăn, đến nay cuộc sống của gia đình anh Bình rất khá, nhà cửa khang trang, con cái đều học hành đến đại học. Riêng anh Bình từ năm 2019 đến nay luôn đạt Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện. Ở địa phương có phong trào, hoạt động từ thiện nào anh đều nhiệt tình tham gia”, chị Ngô Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh An, cho biết.
Ông Nguyễn Thành Dự, Chủ tịch UBND xã Thanh An: Là địa phương chủ yếu phát triển về nông nghiệp, cây cao su vẫn là cây trồng chủ lực của xã Thanh An. Những năm gần đây người nông dân phát triển cây ăn trái với diện tích 65 ha gồm chôm chôm, sầu riêng, măng cụt... Cây ăn trái chiếm diện tích không nhiều, tuy nhiên đã góp phần tăng thu nhập cho người nông dân, lấy ngắn nuôi dài... Từ chăn nuôi, trồng trọt nhiều nông dân đã vươn lên thoát nghèo, đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện, góp phần thúc đẩy nông nghiệp của địa phương ngày càng phát triển. |
TIẾN HẠNH