Phiên chợ Hàng Việt về nông thôn hay các chuyến bán hàng về nông thôn, bán hàng lưu động... là những hoạt động được nhiều doanh nghiệp (DN) hưởng ứng, tham gia tích cực. Tuy nhiên, để có thể chiếm lĩnh và khai thác hiệu quả thị trường nông thôn, mỗi DN cần chủ động, tích cực đưa hàng Việt Nam tới khu vực này, thay vì cách tiếp cận còn mang tính hình thức và phong trào như hiện nay.
Phiên chợ hàng Việt về nông thôn thu hút sự quan tâm của nguời tiêu dùng nông thôn
Theo Trung tâm nghiên cứu, kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), từ tháng 9-2010 đến nay, trung tâm này đã tổ chức 43 phiên chợ Hàng Việt về nông thôn tại 19 tỉnh, thành phố trên cả nước, thu hút sự tham gia của 132 DN. Thông qua các phiên chợ này, các DN đã ký được gần 250 hợp đồng với nhà phân phối, đại lý mới tại các địa phương hay tiến hành điều chỉnh mạng phân phối của mình. Có thể thấy, việc tham gia các phiên chợ này đã giúp DN nắm được nhu cầu người tiêu dùng nông thôn để cải tiến sản phẩm cho phù hợp, đồng thời xây dựng, điều chỉnh và phát triển mạng lưới phân phối.
Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Kỹ nghệ súc sản (Vissan) Văn Ðức Mười cho biết, mặc dù doanh số bán hàng thực phẩm Vissan trong các chuyến bán hàng về nông thôn không cao nhưng kết quả lớn nhất mà công ty đạt được thông qua các chuyến bán hàng này là đưa được nhiều sản phẩm Vissan đến tận tay người tiêu dùng tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Với việc nhạy bén nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng khu vực nông thôn, công ty đã cho ra đời sản phẩm 3 Bông Mai phục vụ chủ yếu thị trường này. Hiện nay, phần lớn người dân nông thôn có thu nhập ở mức thấp, chưa biết nhiều về sản phẩm Việt Nam bởi sự lấn át của hàng hóa ngoại nhập với mẫu mã đẹp, giá rẻ. Vì vậy, qua các chuyến bán hàng về nông thôn, công ty có thể tư vấn người tiêu dùng về sản phẩm, từ đó định hướng sở thích, thói quen tiêu dùng hàng Việt. Bên cạnh đó, sản phẩm và thương hiệu Vissan cũng có nhiều cơ hội đến với người tiêu dùng tại vùng sâu, vùng xa, từ đó mang lại hiệu quả kinh doanh cho DN, tạo thêm nguồn lực để DN có thể quay lại cạnh tranh tại thị trường truyền thống.
Giống như Vissan, Chủ tịch HÐQT Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Hữu Thắng cho rằng, việc tổ chức bán hàng lưu động tại thị trường nông thôn cần được đầu tư chiều sâu nhằm tạo kênh bán hàng mới quan trọng, thúc đẩy tăng doanh thu gắn với việc phát triển thương hiệu của Tổng công ty. Ðến hết năm 2010, Tổng công ty đã triển khai hơn 80 chuyến bán hàng lưu động tại các huyện ngoại thành Hà Nội, nhận được sự hưởng ứng tích cực của người tiêu dùng nông thôn. Năm 2011, Hapro sẽ tiếp tục tăng quy mô và tần suất các chuyến bán hàng, tập trung nghiên cứu phát triển hoạt động phân phối hàng Việt, nhất là các sản phẩm do tổng công ty sản xuất tại thị trường nông thôn, làm bước đệm hình thành hệ thống bán lẻ, phân phối văn minh, hiện đại tại khu vực này.
Thị trường nông thôn được nhiều DN nhận định là thị trường lớn, đầy tiềm năng. Tuy nhiên, việc các DN chỉ đơn thuần tham gia các phiên chợ, các chuyến bán hàng về nông thôn... là chưa đủ để thâm nhập, chiếm lĩnh thị trường này. Bởi một vài tháng mới có một chuyến hàng về nông thôn thì không thể tạo ra hiệu ứng tốt với thị trường, người tiêu dùng không có cơ hội sử dụng thường xuyên hàng Việt, từ đó khó có thể xây dựng thói quen tiêu dùng hàng Việt. Ðiều quan trọng là DN phải tự xây dựng, hình thành hệ thống phân phối của mình tại thị trường nông thôn. Song, do chi phí tổ chức, quản lý nhân viên, vận chuyển hàng hóa về vùng nông thôn rất tốn kém, trong khi DN trong nước phần lớn tiềm lực tài chính còn hạn chế nên những chính sách hỗ trợ của Nhà nước là rất cần thiết. Theo Chủ tịch HÐQT Hapro Nguyễn Hữu Thắng, cần có những chính sách hỗ trợ về thông tin thị trường, thủ tục hành chính, địa điểm, cơ chế vay ưu đãi, đào tạo nhân viên bán hàng... tạo điều kiện giúp các DN trong nước chiếm lĩnh thị trường nông thôn thông qua hệ thống phân phối của mình. Trong khi DN chưa xây dựng được hệ thống phân phối tại đây thì cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ để DN có điều kiện đưa hàng hóa về tiêu thụ tại thị trường nông thôn, chẳng hạn như hỗ trợ địa điểm bán hàng, chi phí tham gia lần đầu các phiên chợ, bảo vệ an ninh... Tiếp tục tăng cường kinh phí cho hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, nhất là khu vực thị trường nông thôn.
Theo Nhân Dân