Nhằm chủ động phòng, chống tội phạm phát sinh từ nguyên nhân xã hội, các ngành chức năng huyện Phú Giáo đã đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng dân cư và tổ hòa giải cơ sở để phát hiện, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.
Tổ hòa giải cơ sở ấp Đồng Tâm, xã An Bình họp bàn giải quyết đơn thư của người dân
Phát huy vai trò người có uy tín
Thời gian qua, các ngành chức năng huyện Phú Giáo đã có nhiều cách làm linh động, hiệu quả trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Trong đó, việc tranh thủ người có uy tín trong cộng đồng dân cư để tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia phong trào toàn dân đoàn kết bảo vệ an ninh Tổ quốc đã mang lại nhiều kết quả đáng mừng.
Theo Thượng tá Bồ Văn Cúc, Trưởng Công an (CA) huyện Phú Giáo, trên địa bàn huyện có 825 hộ với trên 3.100 người dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó phần lớn là đồng bào Khmer sống chủ yếu ở xã An Bình. Để góp phần xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, CA huyện tranh thủngười cóuy tín trong đồng bào DTTS để tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm. Bằng sự hiểu biết, uy tín của bản thân, những cá nhân này tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc mình chấp hành tốt quy định pháp luật và phòng, chống tội phạm tại nơi sinh sống. Không những thế, các cá nhân này còn tham gia phối hợp thuyết phục, hòa giải những mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ đồng bào DTTS ngay từ ban đầu, góp phần giữ gìn tình làng nghĩa xóm.
Theo ông Võ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã An Bình, ý thức được tầm quan trọng của hoạt động HGCS đối với công tác bảo đảm an ninh trật tự, Đảng ủy, UBND xã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể thực hiện tốt công tác HGCS gắn với tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân tại địa phương. Với tinh thần trách nhiệm cao, các hòa giải viên đã thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết các tranh chấp trong nội bộ nhân dân kịp thời, không để phát sinh thành các vụ việc phức tạp, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Trong 5 tháng đầu năm 2022, các tổ HGCS xã An Bình đã tiếp nhận 16 vụ việc, đưa ra hòa giải thành 15 vụ (đạt 94%), chuyển cấp trên giải quyết 1 vụ việc. Riêng trong lĩnh vực đất đai, hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai xã An Bình tiếp 5 vụ việc, hòa giải thành 4 vụ (đạt 80%). |
Là một trong những người có uy tín trong đồng bào DTTS, ông Ngưu Bư (ngụ xã An Bình) đã trở thành “cầu nối” giữa đồng bào Khmer với chính quyền địa phương. Theo ông Ngưu Bư, trên địa bàn xã An Bình hiện có 235 hộ Khmer với 922 nhân khẩu, chiếm 5,26% tổng số dân toàn xã. Thời gian qua, bà con luôn chấp hành tốt các quy định pháp luật, tích cực tham gia các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới do địa phương phát động. Gần đây, một số con cháu đồng bào Khmer vi phạm pháp luật, vướng vào tệ nạn xã hội, gây ảnh hưởng đến các phong tục, truyền thống tốt đẹp của cộng đồng dân tộc Khmer và an ninh trật tự tại địa phương. Do đó việc tuyên truyền, vận động bà con chấp hành nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cùng các quy định của chính quyền địa phương là hết sức quan trọng.
Nói về công tác này, ông Ngưu Bư chia sẻ: “Cùng là người Khmer, chúng tôi hiểu được đồng bào cần nắm rõ những thông tin, chính sách pháp luật nào để có cách tuyên truyền phù hợp, dễ hiểu. Thời gian qua, chúng tôi thường xuyên phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật lưu động tại địa phương, thu hút đông đảo người dân tham gia. Nội dung các buổi tuyên truyền tập trung vào các vấn đề liên quan đến đời sống của bà con, trong đó chú trọng giữ gìn, phát huy nếp sống, phong tục tốt đẹp của người Khmer. Qua đó giúp cộng đồng người Khmer nâng cao hiểu biết pháp luật, từng bước thực hiện tốt chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương”.
Hòa giải mâu thuẫn ngay từ đầu
Những năm qua, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng tại khu vực nông thôn huyện Phú Giáo, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng cải thiện, kéo theo đó nhiều mâu thuẫn nảy sinh trong cộng đồng làng xã, dòng tộc bắt nguồn từ tranh chấp về đất đai. Những áp lực về mưu sinh, tiền bạc, tình ái… cũng là nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn, xung đột trong gia đình, quan hệ xóm giềng khiến nhiều người bức xúc, dẫn đến những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật. Do đó, công tác hòa giải cơ sở (HGCS) được cấp ủy, chính quyền huyện Phú Giáo đặc biệt quan tâm nhằm kịp thời, giải quyết triệt để những mâu thuẫn ngay từ lúc mới phát sinh, không để bùng phát thành vụ việc phức tạp, gây mất an ninh trật tự.
Điển hình như tại xã An Bình, ngay từ đầu năm, UBND xã đã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, trong đó tập trung vào các quy định, quản lý nhà nước về đất đai để người dân hiểu rõ mà chấp hành. Bên cạnh đó, UBND xã còn quan tâm củng cố, kiện toàn các tổHGCS và phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng dân cư nhằm chủ động nắm rõ tâm tư, nguyện vọng cũng như những mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, từ đó kịp thời có biện pháp xửlý triệt để, không thể nảy sinh thành các vấn đề “nóng”. Công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tranh chấp trong nhân dân ngay từ cơ sở cũng được xã An Bình đặc biệt quan tâm. Với công tác này, các tổ HGCS ở xã An Bình đã phát huy vai trò của các thành viên trong việc lắng nghe, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn giữa các bên tranh chấp để có biện pháp hòa giải phù hợp.
Nói về điều này, ông Phạm Thanh Xuân, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban điều hành ấp Đồng Tâm, xã An Bình, cho biết: “Địa phương hiện có 264 hộ dân sinh sống chủ yếu bằng việc trồng, khai thác mủ cao su, hoa màu. Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh đã tạo nên “cơn sốt” đất, từ đó dẫn đến nhiều mâu thuẫn, tranh chấp liên quan đến đất đai. Khi tiếp nhận những đơn thư liên quan đến vấn đề này, các thành viên trong tổhòa giải ở ấp sẽ ngồi lại nghiên cứu nội dung để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến phát sinh mâu thuẫn. Bằng uy tín và sự hiểu biết pháp luật, các thành viên tổ hòa giải sẽ làm việc với các bên tranh chấp để tìm tiếng nói chung, giải quyết tranh chấp theo quy định pháp luật”.
Theo ông Xuân, tỷ lệ hòa giải thành các vụ việc tranh chấp tại ấp Đồng Tâm đạt từ 95% trở lên. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2022, tổHGCS ở ấp tiếp nhận, hòa giải thành 3/3 đơn thư yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai và dân sự. Để đạt kết quả như trên là nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho các hòa giải viên. Bên cạnh đó, các thành viên trong tổ HGCS không chỉ có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín trong cộng đồng dân cư mà còn nắm vững kiến thức pháp luật, khả năng vận động, thuyết phục người dân. Nhờ đó, họ có thể nhanh chóng nắm bắt tình hình tại từng cụm dân cư và có những cách can thiệp, khuyên giải kịp thời, thỏa đáng.
NGUYỄN HẬU - LÝ HUY