Kỳ 1: Cánh cửa rộng mở
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1-1-2016. Đây là một trong những sự kiện quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa… giúp cho không chỉ Việt Nam mà tất cả thành viên trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mở ra cánh cửa hội nhập, nâng cao năng lực, uy tín và vai trò đối với các quốc gia, khu vực trên thế giới.
Sau khi AEC chính thức có hiệu lực sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp ASEAN nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Trong ảnh: Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, công trình hợp tác đầu tư hiệu quả giữa một tập đoàn kinh tế lớn của Singapore với Tổng Công ty Đầu tư Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC) của tỉnh Bình Dương Ảnh: XUÂN THI
Mở cửa nâng tầm ASEAN
AEC là một tổ chức hợp tác liên chính phủ sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1-1-2016. Đây là 1 trong 3 trụ cột quan trọng của Cộng đồng ASEAN nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra trong “Tầm nhìn ASEAN 2020” với mục đích: Tạo dựng một khu vực kinh tế ASEAN ổn định, thịnh vượng và cạnh tranh cao; nơi có sự di chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, di chuyển tự do hơn của các luồng vốn; phát triển kinh tế đồng đều và giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về kinh tế - xã hội. AEC có sứ mệnh nhằm tạo dựng một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất; một khu vực có sức cạnh tranh, phát triển đồng đều, hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.
Sau 47 năm tồn tại và phát triển, trải qua nhiều bối cảnh thăng trầm của thế giới và khu vực, ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, trở thành một tổ chức hợp tác khu vực trên tất cả các lĩnh vực; trong đó lĩnh vực kinh tế luôn được chú trọng và đặt lên hàng đầu. Sau khi thành lập, AEC là một thị trường chung, có quy mô lớn với hơn 600 triệu dân và tổng GDP hàng năm khoảng 2.000 tỷ USD, thông qua sự liên kết về kinh tế trên cơ sở sản xuất thống nhất như: tự do thương mại về đầu tư, chu chuyển vốn, lao động, dịch vụ…
Sự ra đời của AEC còn có mục đích quan trọng khác là tạo đòn bẩy để nâng tầm vai trò, xây dựng địa vị trung tâm của ASEAN trong hợp tác kinh tế khu vực Đông Á, thậm chí là thế giới. Trước hết, AEC chính thức có hiệu lực sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước ASEAN. Từ năm 2005 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước trong nội khối luôn duy trì ở mức trên 5%; kim ngạch thương mại đã tăng từ 430 tỷ USD năm 1993 lên 2.500 tỷ USD vào năm 2013, trong đó kim ngạch nội khối ASEAN đã tăng từ 82 tỷ USD lên 609 tỷ USD, gấp hơn 7 lần. Ngoài ra, giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2013, các nước ASEAN đạt tỷ lệ tăng trưởng thu hút đầu tư nội khối lên đến 25%, đầu tư bên ngoài khối tăng 13%. Chính vì thế, sự ra đời của AEC sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của tất cả các nước trong khối.
Với ưu thế là trung tâm trong việc hợp tác phát triển kinh tế trong khu vực và thế giới, AEC ra đời sẽ càng nâng cao vai trò của ASEAN trong việc sắp xếp, hợp tác kinh tế khu vực và thế giới. Điều này đặc biệt phù hợp trong bối cảnh quan hệ cạnh tranh phức tạp giữa các nước lớn ngoài khu vực như hiện nay, qua đó góp phần nâng cao vai trò của ASEAN trong nền kinh tế thế giới.
Với mục tiêu nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế công bằng trong khu vực, AEC sẽ tạo ra một khu vực kinh tế có tính cạnh tranh cao và hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu. Do đó, lợi ích mà các thành viên có được khi AEC hình thành là tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, tạo ra nhiều việc làm hơn, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ hơn, phân bổ nguồn lực tốt hơn, cũng như tăng cường năng lực sản xuất và tính cạnh tranh. Đặc biệt, AEC chú trọng đến mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước, đây cũng là vấn đề mà Việt Nam hết sức quan tâm.
Dọn đường phát triển kinh tế
Từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998 đến nay, ngoài tốc độ tăng trưởng kinh tế bị giảm mạnh vào năm 2009 về tổng thể, các nước ASEAN đều có sự tăng trưởng ổn định. Năm 2010, tỷ lệ tăng trưởng GDP của các nước bình quân tới 7,8%; năm 2011 và năm 2012 là 4,7% và 5,7%. Đến năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của ASEAN đã là 5.581 USD, tăng gấp đôi so với năm 2000. Ngoài ra, tỷ lệ kim ngạch thương mại nội khối lẫn ngoại khối đều tăng trưởng rất mạnh mẽ; tình hình đầu tư cũng có nhiều bước chuyển biến mạnh.
Theo một nghiên cứu so sánh mới nhất, căn cứ vào Mô hình cân bằng tổng thể (CGE) để phân tích về AEC, có thể thấy, với việc xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan, thực hiện tự do hóa ngành dịch vụ thì chi phí thương mại sẽ giảm 5%. Ngoài ra, AEC cũng sẽ đem lại sự thay đổi rất lớn về đầu tư nội khối và ngoại khối, phúc lợi kinh tế của khu vực cũng có thể tăng trưởng thêm 5,3% vào năm 2016. Nghiên cứu tương tự cũng cho thấy, nếu dỡ bỏ thuế quan hoàn toàn, giảm bớt hàng rào dịch vụ, thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu… thì AEC sẽ thực sự trở thành một đòn bẩy mạnh mẽ để các nước ASEAN cùng nhau phát triển vững mạnh. Khi đó, tác động của việc miễn giảm thuế sẽ là rất nhỏ. Ngược lại, việc tự do hóa dịch vụ thương mại sẽ thúc đẩy GDP của các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam sẽ tăng nhanh chóng. Việc giảm chi phí thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu cũng sẽ là đòn bẩy làm tăng GDP nội khối lên đáng kể, đặc biệt là các quốc gia mới nổi như Lào, Myanmar và Việt Nam.
Không chỉ có tác động tích cực đối với các nước thành viên, AEC cũng sẽ là một cơ hội cực kỳ quan trọng đối với ASEAN. Tuy lợi ích là khác nhau nhưng nhìn chung, tất cả đều được hưởng lợi. AEC chính thức có hiệu lực không chỉ thúc đẩy tăng trưởng GDP cho các nước thành viên, mà còn tăng cường thương mại và nâng cao mức độ lưu động của người lao động, qua đó tạo điều kiện cân bằng phát triển giữa các nước trong khu vực.
Nhìn chung, sau khi AEC chính thức có hiệu lực sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp ASEAN nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Đây là một môi trường kinh tế ổn định, thịnh vượng, có khả năng cạnh tranh cao.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), Phó Trưởng đoàn đàm phán AEC của Việt Nam cho biết, việc các rào cản thuế quan, phi thuế quan được tháo gỡ bằng cách hầu hết các mặt hàng nhập khẩu trong nội khối ASEAN sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan; môi trường đầu tư thuận lợi sẽ giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, cắt giảm chi phí nhập khẩu, hạ giá thành sản phẩm. Ngoài ra, các nước còn có cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn hơn với các đối tác như Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand thông qua các hiệp định thương mại tự do riêng giữa ASEAN với các đối tác kinh tế lớn, cũng như nỗ lực xây dựng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Kỳ 2: Thời cơ để Việt Nam vươn vai
KHÁNH VINH